ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH HƯNG YÊN VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15
Chiều 08/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023' do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng đoàn giám sát, làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên.
Tham dự có các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ…
Về phía tỉnh Hưng Yên có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn; đại diện Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh…
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy cho biết, trong các năm 2022, 2023, Hưng Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội, "biến nguy thành cơ", triển khai kịp thời Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội bảo đảm hiệu quả và thiết thực, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi khá nhanh, toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản được duy trì ổn định; đạt được nhiều thành tựu phát triển đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã giúp giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích cầu tiêu dùng, đưa doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp phục hồi, số nộp ngân sách nhà nước cũng tăng dần theo thời gian thực hiện chính sách.
Ngoài ra, một số ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng tăng trưởng và đóng góp phần lớn vào số thu ngân sách của tỉnh; do đó, chính sách miễn, giảm thuế không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách địa phương trong hai năm 2022 và 2023.
Thực hiện chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Hưng Yên đã được ngân sách Trung ương bố trí 126 tỷ đồng thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng 40 trạm y tế tuyến xã; bố trí 20 tỷ đồng đề thực hiện dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị 155 trạm y tế tuyến xã.
Đến hết ngày 31.12.2023, dự án xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng trạm y tế tuyến xã đã giải ngân 30,18 tỷ đồng; dự án trang thiết bị giải ngân được 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hưng Yên cam kết sẽ triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án nêu trên, dự kiến đến tháng 7.2024 sẽ hoàn thành.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19… Đến nay, đã giúp 9.598 lượt khách hàng được vay vốn; góp phần tạo việc làm cho 6.895 người lao động; giúp 2.330 học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ cho 75 cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục và duy trì hoạt động…
Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp giảm thuế suất thuế VAT không áp dụng chung cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% mà loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nên trong quá trình thực hiện doanh nghiệp gặp khó khăn trong cách xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế và hàng hóa không được giảm thuế này.
Thực hiện 2 dự án về xây mới, cải tạo các trạm y tế xã và thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 đều chậm tiến độ, hiện mới giải ngân khoảng 29,5% tổng mức đầu tư. Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư phát triển, trong đó có một nguyên nhân do tổ chức, bộ máy làm nhiệm vụ này ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn thiếu về số lượng, chất lượng chuyên môn chưa cao.
Đánh giá cao UBND tỉnh Hưng Yên đã kịp thời xây dựng báo cáo bổ sung chi tiết, thể hiện đầy đủ với đề cương báo cáo theo yêu cầu của Đoàn, Đoàn giám sát đề nghị, Hưng Yên đánh giá rõ hơn hiệu quả thực sự của các chính sách đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bổ sung các dữ liệu, số liệu minh chứng cho kết quả thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chú ý triển khai các hạng mục xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai các dự án đầu tư…
Báo cáo, giải trình làm rõ hơn với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tự giúp người dân tạo sinh kế, củng cố, phát triển sản xuất, tạo động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, qua đó giúp thực hiện nhiều mục tiêu được Đảng bộ tỉnh đề ra cho nhiệm kỳ 2021 - 2025.
“Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, các cơ quan quản lý đã phối hợp chặt chẽ với những tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện, nhờ đó nắm bắt kịp thời và giải quyết hồ sơ đúng với tâm tư, mong muốn của người dân, nên hiện không có phản ánh trái chiều liên quan đến thực hiện các chính sách này”, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận các kết quả Hưng Yên đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần báo cáo bổ sung số liệu kết quả thực hiện đối với việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022; tác động của các chính sách miễn, giảm thuế đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh; những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15...
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Hưng Yên, Trưởng Ban Công tác đại biểu lưu ý, tỉnh cần tập trung triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, với tinh thần “đã quyết liệt rồi thì càng quyết liệt hơn nữa”, bảo đảm hiệu quả của dự án, tránh lãng phí nguồn vốn; phát huy vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong triển khai thực hiện các chính sách an sinh, xã hội; chủ động sử dụng ngân sách địa phương để cải tạo trụ sở hiện có của trạm y tế xã, kết hợp với mô hình bác sỹ gia đình để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị này...
Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và một số dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH của Quốc hội.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85223