Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm việc với UBND TP. Hải Phòng
Chiều 6.7, tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Trung tướng Nguyễn Minh Đức làm Trưởng đoàn làm việc với UBND TP. Hải Phòng.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng Phạm Viết Dũng cho biết, từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 245 vụ cháy, 3 người chết, 16 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 78,5 tỷ đồng và 25,78 ha thảm thực bì rừng. So với cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2019, số vụ cháy giảm 82 vụ, số người chết giảm 4 người, số người bị thương giảm 11 người, thiệt hại về tài sản giảm 87,8 tỷ đồng và giảm 12,96 ha thảm thực bì rừng.
Triển khai Nghị quyết số 99/2019/QH14, từ năm 2020 đến nay, UBND TP. Hải Phòng đã tham mưu HĐND ban hành 1 Nghị quyết và trực tiếp ban hành 34 văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
UBND Thành phố đã thường xuyên chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đúng tinh thần nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản của Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác này.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp, các đơn vị trên địa bàn thực hiện thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác này.
Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 99/2019/QH14, TP. Hải Phòng vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập. Số trụ nước chữa cháy đô thị chưa lắp đặt đủ số lượng; một số cơ sở thuộc diện phải trang bị, lắp đặt hệ thống phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định chưa tiến hành lắp đặt hoặc lắp đặt chưa đầy đủ. Việc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục thiếu sót không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực còn chậm.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của UBND TP. Hải Phòng được chuẩn bị tương đối toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ hiện nay còn 572 cơ sở của Thành phố chưa mua Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, do đó đề nghị UBND Thành phố làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình trạng này và phân loại các cơ sở thành từng nhóm cụ thể.
Đoàn giám sát cũng yêu cầu, Báo cáo của UBND Thành phố cần đánh giá rõ việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; bổ sung những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện các thông tư, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ghi cụ thể còn vướng ở điều, khoản của văn bản nào. Bên cạnh đó, cập nhật nhóm công trình hiện hữu sử dụng ngân sách nhà nước nhưng chưa tuân thủ về quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy hoặc chưa được nghiệm thu vào Báo cáo; đánh giá thêm hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy của lực lượng dân phòng.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nêu rõ, công tác triển khai nghiêm túc các chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của TP. Hải Phòng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện qua những con số cụ thể. Đồng thời đề nghị, UBND Thành phố sớm hoàn thiện Báo cáo để gửi Đoàn giám sát, trong đó các ban, sở, ngành của Thành phố cũng cần tham gia báo cáo chi tiết, cụ thể theo lĩnh vực được giao.
Thành ủy Hải Phòng tiếp tục tham gia lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25.6.2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết số 99/2019/QH14 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.