Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên

Chiều 2.4, tại Đắk Lắk, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ phát biểu buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ phát biểu buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, TS. Nguyễn Thanh Trúc cho biết, Trường Đại học Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Nhà trường đào tạo 35 ngành hệ đại học chính quy; 11 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 1 ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, 5 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ với quy mô và phân bố ngành đào tạo theo lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; kinh doanh và quản lý; khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin, nông lâm, chăn nuôi; sức khỏe; nhân văn và khoa học xã hội.

 Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu

Công tác tuyển sinh tăng dần qua các năm (năm 2020: gần 54%, năm 2024: đạt trên 87%), đặc biệt khối ngành sức khỏe, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên đạt 100%. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường đạt gần 86%. Tính đến tháng 12.2024, trường có 635 cán bộ (trong đó 8 cán bộ biệt phái), cán bộ là dân tộc thiểu số 29. Về trình độ chuyên môn có 1 giáo sư, 15 phó giáo sư; 109 tiến sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 303 thạc sĩ, 7 bác sĩ chuyên khoa cấp I... Từ năm 2021 - 2024, trường có 2 Phó Giáo sư, 11 Tiến sĩ, 2 Bác sĩ chuyên khoa 2, 24 Thạc sĩ, 2 Bác sĩ chuyên khoa 1 nghỉ việc, chuyển công tác.

Chia sẻ một thách thức lớn của nhà trường thời gian qua là tình trạng "chảy máu" chất xám, TS. Nguyễn Thanh Trúc nhấn mạnh, để công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới giáo dục cần áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho giảng viên làm việc tại vùng Tây Nguyên, như hỗ trợ nhà ở, chi phí sinh hoạt, và các khoản phụ cấp vùng.

 Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Thanh Trúc báo cáo với Đoàn giám sát

Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Thanh Trúc báo cáo với Đoàn giám sát

Cùng với đó, cần đồng bộ chính sách tuyển dụng giữa trường công và trường tư để cơ sở giáo dục công lập thuận lợi trong việc thu hút ứng viên chất lượng cao; biệt phái giảng viên có trình độ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ thông tin, y dược và khoa học ứng dụng ở các cơ sở giáo dục đại học đầu ngành về công tác có thời hạn tại các cơ sở giáo dục đại học ở vùng Tây Nguyên, nhằm trao đổi học giả, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo tại các trường; ban hành chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện cam kết đào tạo.

 Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa phát biểu

Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa phát biểu

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ đánh giá cao những kết quả mà Trường Đại học Tây Nguyên đạt được và công tác chuẩn bị nội dung báo cáo công phu phục vụ cho buổi làm việc với đoàn giám sát.

Qua trao đổi và thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận nhiều thông tin có giá trị thực tiễn để tiếp tục có những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao và nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các kiến nghị của nhà trường sẽ được Đoàn tổng hợp, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến phát triển nguồn nhân lực.

 Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội mong muốn Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng, tư vấn trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt, cần quan tâm tỷ lệ sinh viên dân tộc thiểu số, từ đó phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số lâu dài cho Tây Nguyên.

 Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng đề nghị nhà trường triển khai công tác tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu của địa phương, tuy nhiên phải đảm bảo tránh lãng phí về nguồn lực xã hội.

Djuang Niê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-voi-truong-dai-hoc-tay-nguyen-post409140.html