Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị sự nghiệp công lập làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa
Chiều 24.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng Đoàn giám sát dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tham dự cuộc làm việc có: các thành viên Đoàn giám sát; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, với 2.181 đơn vị, lớn thứ 2 trong cả nước (chỉ sau Hà Nội). Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa tập trung làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và phân tích nguyên nhân, cung cấp minh chứng cụ thể về một số nội dung như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và kết quả thực hiện đổi mới hệ thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trên địa bàn; công tác quản lý biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện kiểm định, đánh giá, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập; việc thành lập hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập…; việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, việc chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công thành công ty cổ phần, doanh nghiệp; việc giám sát, quản lý chất lượng dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị xã hội hóa thực hiện…; việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý: tiến độ, lộ trình triển khai; việc gắn kết tự chủ với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình, chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ…; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó nổi bật lên một số nội dung về phân cấp, phân quyền, phân định giữa chức năng quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp; đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp…
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức sáp nhập các đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, quy mô nhỏ để giảm đầu mối; đã sắp xếp lại trường, lớp, bố trí đủ sĩ số học sinh trên lớp để bảo đảm công tác dạy và học trong điều kiện thực hiện giảm 10% biên chế theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW; thực hiện nghiêm số chỉ tiêu biên chế được Chính phủ, Bộ Nội vụ giao, xây dựng Kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định.
Năm 2018, tỉnh đã hoàn thành việc mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, qua đó góp phần từng bước cơ cấu lại đội ngũ viên chức trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, thực hiện giải quyết chế độ tinh giản biên chế theo quy định.
Về khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, khuôn khổ pháp lý, các chính sách về đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ; văn bản hướng dẫn của một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm triển khai, sửa đổi ảnh hưởng đến công tác đổi mới quản lý, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định không thống nhất trong các văn bản pháp luật, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quản lý dự án đầu tư xây dựng…
Qua báo cáo và trao đổi, thảo luận, Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị của địa phương, cho biết đã thu nhận được nhiều thông tin có giá trị thực tiễn về chính sách, pháp luật và việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua, đặc biệt là trong việc sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực đặc thù về văn hóa, nghệ thuật truyền thống.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa làm rõ hơn kết quả thực hiện, cụ thể, kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương; giải pháp sử dụng để tránh máy móc, cơ học trong sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị; làm rõ những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; thuận lợi, khó khăn trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị; đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sau sắp xếp, tổ chức lại có đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra…
Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã giải trình, làm rõ hơn những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra; đồng thời, đề xuất các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, về cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, tổ chức thực hiện và nguồn lực…
Ghi nhận kết quả cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các số liệu; phân tích, đánh giá sâu hơn số liệu ba mục tiêu hướng đến là: tinh gọn bộ máy; giảm biên chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo; từ đó, đề xuất rõ, cụ thể những giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách.
+ Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Đoàn giám sát đã làm việc với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hoằng Hóa và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.