ĐOÀN GIÁM SÁT ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO PHẢI GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Ngày 14/3, thực hiện giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2021' trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Sửu đã có buổi làm việc với Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2.
ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Theo báo cáo, Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 đóng trên địa bàn xã Phong Chương, huyện Phong Điền với diện tích gần 59 hecta, đưa vào vận hành từ năm 2020. Công trình nhà máy điện có tổng công suất thiết kế là 50MW với trên 128.000 tấm pin mặt trời. Trong năm 2022, doanh thu của nhà máy là hơn 112 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế là hơn 9 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, đại diện công ty cho biết, lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời là hoàn toàn mới ở Việt Nam, đồng thời kiến nghị Nhà nước thành lập hoặc sớm có hướng dẫn thành lập đơn vị chuyển xử lý pin mặt trời bị hư hỏng hoặc sau khi hết thời hạn sử dụng.
“Chúng tôi cũng chưa biết trong 20 năm nữa đơn vị sản xuất tấm pin này còn tồn tại hay không!? Trước mắt pin bị hư hỏng chúng tôi đang lưu kho với số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới nên về lâu dài cần có 1 trung tâm xử lý pin thải tại Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc phát triển Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 2 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 100MW. Cả 2 nhà máy đều đã đi vào vận hành ổn định, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật, chưa ghi nhận xảy ra sự cố gì nghiêm trọng .
Ngoài ra, dự án nhà máy điện mặt trời Phong Hòa với công suất 50MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung danh mục các dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực. Lãnh đạo huyện Phong Điền kiến nghị sớm ban hành cơ chế đấu thầu thí điểm phát triển điện mặt trời, qua đó có cơ sở pháp lý để tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tại buổi giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao việc vận hành ổn định, an toàn của 2 nhà máy. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng lưu ý cần đánh giá đầy đủ, lâu dài về tác động đến môi trường của các quy trình: rửa pin, xử lý rác thải rắn… để có báo cáo đầy đủ. Việc phát triển năng lượng tái tạo phải gắn với bảo vệ mô trường, tuyệt đối không để xảy ra sự cố nghiêm trọng trong quá trình vận hành. Riêng đối với kiến nghị thành lập đơn vị chuyên trách xử lý pin thải, đoàn giám sát sẽ tổng hợp để có ý kiến với Quốc hội .
“Việc này là chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhưng rất cần được cân nhắc, đánh giá đầy đủ. Chúng tôi sẽ tham vấn với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành khác , nhất là các địa phương phát triển mạnh về điện mặt trời để có hướng đề xuất cụ thể, hợp lý”, bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=73993