ĐOÀN GIÁM SÁT KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT GIÁM SÁT ĐỂ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC BAN HÀNH MỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, ngày 29/5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Đoàn giám sát thực hiện theo Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".
Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang trong quá trình được khắc phục. Khi dịch COVID-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nguy hiểm, nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch đã được triển khai thực hiện trong hoàn cảnh chưa có quy định của pháp luật hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, việc đánh giá, nhận định của Đoàn giám sát đặt trong diễn biến cụ thể của công tác phòng, chống dịch. Đồng thời với việc nhận định, đánh giá chung về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong điều kiện bình thường, Đoàn giám sát cũng nhận định, đánh giá về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trong bối cảnh dịch COVID-19 để có kiến nghị, đề xuất giải pháp phù hợp.
Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch, Đề cương giám sát yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo. Đoàn giám sát trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, làm việc với 14 Bộ và một số cơ quan liên quan; tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung giám sát.
Ban hành kịp thời các văn bản, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch.
Về kết quả đạt được trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ tháng 01/2020 - 01/2023, Quốc hội đã ban hành 06 Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết, xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch; Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, hàng trăm văn bản để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; Các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, kịp thời ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kỳ họp thứ nhất, trong đó quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở Nghị quyết số 30 và tiếp theo Nghị quyết số 30, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động quyết định, điều hành ngân sách nhà nước, ban hành nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Nhiều khoản đóng góp, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 không lượng hóa được bằng tiền.
Về việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng; Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19; Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19; Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.
Đặc biệt, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền. Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam; là nguồn cổ vũ, động viên, qua đó, mỗi người dân thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu rõ, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Đến ngày 31/12/2022, kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên 87.000 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch là 4.487 tỷ đồng; mua vắc-xin phòng COVID-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm là 2.593 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là 5.291 tỷ đồng; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 là 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế là 89 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến là 403 tỷ đồng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến là 96 tỷ đồng; chi khác khoảng 2.600 tỷ đồng.
Hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, qua giám sát đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế, tồn tại. Đó là hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.
Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân để quản lý, sử dụng đối với nhiều tài sản, hàng hóa tài trợ chưa kịp thời.
Một số tỉnh, thành phố mặc dù đã có kế hoạch ứng phó nhưng nguồn lực tại chỗ chưa thể đáp ứng ngay, chưa đảm bảo được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch nhất là trong giai đoạn dịch bùng phát nhanh, phức tạp, thực hiện giãn cách kéo dài. Việc điều động, hỗ trợ nhân lực giữa các địa phương, đơn vị chưa có kế hoạch tổng thể, không theo sự điều phối chung, thống nhất. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch, nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.
Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước.
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng nêu các kết quả nổi bật. Đó là thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ và từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế. Giai đoạn 2018-2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch COVID-19.
Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% các đơn vị hành chính cấp huyện đều có trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.
Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng; Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của y tế cơ sở từng bước được đổi mới; khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao; các trạm y tế xã thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, và bước đầu triển khai việc quản lý sức khỏe người dân; nhiều bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được khoảng 75% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến.
Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế với nhiều “điểm sáng” như Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1); khống chế, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm; cơ bản đã khống chế dịch HIV/AIDS và đặc biệt là việc kiểm soát được dịch COVID-19. Đã tự chủ sản xuất được 09/11 loại vắc-xin dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Khoảng 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng".
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó, nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; hành lang pháp lý để y tế cơ sở, y tế dự phòng hoạt động còn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định, trải qua nhiều lần thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước, làm ảnh hưởng tới việc bố trí, sắp xếp, ổn định nhân lực, sử dụng và quản lý vật lực, tài lực.
Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm.
Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế nói chung chưa đồng bộ, hiệu quả, thiếu tính kết nối hệ thống.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát.
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã rút ra 6 nhóm bài học kinh nghiệm cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện. Đồng thời, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá; xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Hoàn thành dứt điểm việc thực hiện các giải pháp được quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng; Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị trong nước; Có giải pháp để hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện theo lộ trình được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017; Thực hiện việc giao Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện, đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm quản lý chuyên môn của ngành y tế; Đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030; Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và về y tế cơ sở, y tế dự phòng, gắn liền với việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; Các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội thể hiện tại Nghị quyết: Quy định thời điểm phải hoàn thành một số nhiệm vụ, giải pháp để có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện chính sách về huy động, quản lý sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;
Giao Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về các nhiệm vụ liên quan đến công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và báo cáo Quốc hội định kỳ 2 năm một lần kết quả thực hiện các nội dung về y tế cơ sở, y tế dự phòng quy định tại Nghị quyết này.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76351