Đoàn giám sát về phát triển năng lượng họp phiên thứ ba
Chiều 21.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021' đã chủ trì Phiên họp thứ ba của Đoàn giám sát.
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương…
Theo Báo cáo về tình hình triển khai giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc trình bày, đến thời điểm hiện nay, Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 63 UBND tỉnh, thành phố, Đoàn ĐBQH, 3/3 tập đoàn kinh tế và các báo cáo bổ sung của các cơ quan có liên quan.
Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, tiến hành giám sát thực tế tại 11/11 tỉnh, thành phố theo kế hoạch đã đề ra.
Triển khai các hoạt động cơ bản tham mưu, phục vụ giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát đã chủ trì thực hiện và phối hợp với Bộ Công thương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức 7 hội thảo chuyên đề. Sau các hội thảo có báo cáo tổng thuật gửi Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan liên quan và thành viên Đoàn giám sát để nghiên cứu, tham khảo.
Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đoàn giám sát, Tổ giúp việc đã khẩn trương, tích cực nghiên cứu tài liệu, phối hợp với chuyên gia xây dựng các dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chính, Báo cáo tóm tắt, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề giám sát để gửi xin ý kiến chỉ đạo. Đến nay, Tổ giúp việc đã tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát xây dựng 9 tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giám sát về nội dung này.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông của Quốc hội tích cực đưa tin, bài về hoạt động của Đoàn giám sát theo đúng yêu cầu của lãnh đạo Đoàn. Tất cả các hội nghị, hội thảo, cuộc làm việc của Lãnh đạo Đoàn và Đoàn giám sát đều được Truyền hình Quốc hội, Báo Đại biểu nhân dân, Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội đưa tin đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng.
Các đại biểu đánh giá, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trong khi đó khối lượng công việc lớn, nguồn lực về con người, kinh phí còn hạn chế. Nhưng, với sự nỗ lực của các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc, Đoàn giám sát đã tiến hành kế hoạch giám sát kỹ lưỡng, bài bản, với những bước đi cụ thể, qua đó hoàn thiện khối lượng công việc lớn với chất lượng cao. Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Tổ giúp việc trong xây dựng tài liệu, các dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đã cung cấp 9 bộ tài liệu gồm nhiều thông tin hữu ích và thiết thực.
Tại Phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho ý kiến với dự thảo Báo cáo chính, Báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị, trong các dự thảo báo cáo cần chú ý đưa ra nhận định, đánh giá công tâm, khách quan, bám sát các chủ trương của Đảng, đặc biệt là mục tiêu thành lập Đoàn giám sát chuyên đề lần này.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc tiếp tục phát huy cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thiện các dự thảo báo cáo và nghị quyết. Trong đó, tập trung vào một số nội dung, vấn đề, giải pháp cụ thể liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp trong tháng 9 tới.