Đoan Hùng: Ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo sức bật trong sản xuất nông nghiệp

PTĐT - Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) được xem là giải pháp quan trọng, tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và là một trong những yếu tố để thực hiện thành công...

Ứng dụng kỹ thuật trong nuôi cá lồng trên sông đã mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm cho hộ anh Nguyễn Xuân Hòa- thôn Vân Tập, xã Hợp Nhất.

Ứng dụng kỹ thuật trong nuôi cá lồng trên sông đã mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm cho hộ anh Nguyễn Xuân Hòa- thôn Vân Tập, xã Hợp Nhất.

PTĐT - Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) được xem là giải pháp quan trọng, tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và là một trong những yếu tố để thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Qua thực tiễn sản xuất tại huyện Đoan Hùng cho thấy, tiến bộ KHKT đã đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá của huyện nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Công tác chuyển giao KHKT được tăng cường, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát huy lợi thế tự nhiên của địa phương, hình thành một số vùng trồng tập trung cây ăn quả, rau và hoa màu; ổn định diện tích lúa, ngô, đảm bảo vấn đề về an ninh lương thực. Qua các lớp tập huấn và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã khuyến khích người dân đầu tư vào một số cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của huyện. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đã giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở khâu làm đất đạt 85%; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đạt 60%, thu hoạch đạt 100%; vận chuyển đạt 90%. Đối với cây chè, duy trì ổn định 2.880ha chè, cơ giới hóa trong khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đạt 65%; thu hái đạt 76%; vận chuyển đạt 90%; sấy đạt 85%. Việc đưa các giống cây mới vào sản xuất được đẩy mạnh, tỷ lệ sử dụng giống lúa lai được gieo trồng khoảng 60%, giống ngô lai trên 95%, giống cây lâm nghiệp sử dụng công nghệ mô hom, giống hạt ngoại 80%.Hiện tượng mất mùa bưởi liên tiếp trong nhiều năm đã chấm dứt nhờ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong thâm canh, thu nhập của người trồng bưởi ngày càng được nâng cao. Chương trình phát triển cây bưởi đặc sản đạt kết quả khả quan, tăng mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Diện tích bưởi hiện có 2.450ha, sản lượng bưởi quả đạt 20.000 tấn, tăng hơn 12.000 tấn so với 2015, giá trị sản phẩm đạt trên 300 tỷ đồng. Công tác khuyến nông, ứng dụng KHKT vào sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP vào các khâu của quá trình sản xuất như sử dụng giống sạch bệnh, tưới nước tiết kiệm, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc BVTV sinh học, bao quả… để tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện thường xuyên đánh giá các mô hình thâm canh cây bưởi để hoàn thiện quy trình sản xuất. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay có khoảng 45 mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong trồng mới, thâm canh bưởi để nông dân học tập, nhân ra diện rộng.Ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy hình thành các trang trại quy mô lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc đưa các giống gia súc, gia cầm có chất lượng tốt, giống ngoại có năng suất cao đã góp phần tăng nhanh thu nhập cho nông dân. Sản xuất tập trung theo quy mô trang trại ngày càng được quan tâm đầu tư với 52 trang trại đạt tiêu chí; có khoảng 400 gia trại đạt hiệu quả cao, tạo bước chuyển biến tích cực về giá trị hàng hóa, dần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ; bước đầu hình thành và phát triển hình thức liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo chuỗi giá trị. Trong nuôi thủy sản đã có sự chuyển dịch từ nuôi trồng thủy sản quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh; chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã. Diện tích nuôi thủy sản ổn định với trên 550ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 4.000 tấn, tăng gần 3 lần so với đầu nhiệm kỳ. Các xã ven sông đã tận dụng tốt lợi thế sông Lô để tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng với trên 800 lồng. Các địa phương vận động người dân liên kết thành lập các hợp tác xã thủy sản, đồng thời tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng quy trình nuôi cá lồng theo hướng VietGAP, bảo đảm nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản cho người dân. Với tiềm năng hiện có, huyện chủ trương gắn phát triển nuôi cá lồng với liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cá lồng sông Lô, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.Sản xuất nông nghiệp của huyện đã có bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 5%/năm. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích năm 2020 đạt 120,9 triệu đồng/ha, tăng 48% so với năm 2015. Phát huy kết quả đạt được, mục tiêu trong thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp thông qua liên kết sản xuất, tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202007/doan-hung-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuattao-suc-bat-trong-san-xuat-nong-nghiep-172011