Đoàn kết, đổi mới, khơi thông động lực tăng trưởng
Thực hiện Nghị quyết số 202/2025/QH15, ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1/7/2025, tỉnh Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Kạn. Địa giới hành chính mở rộng sẽ tạo ra cho tỉnh vận hội phát triển mới. Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, về sự kiện có tính lịch sử này.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn kiểm tra việc vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền mới tại phường Sông Công, ngày 16-6.
PV: Xin đồng chí cho biết, việc sáp nhập sẽ mở ra không gian phát triển của tỉnh thời gian tới như thế nào?
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: Theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Quyết định mang tính chiến lược này không chỉ là một bước đi trong tiến trình tinh gọn bộ máy hành chính mà còn kỳ vọng tạo ra một động lực phát triển mới cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh Thái Nguyên, với vị thế là một trung tâm công nghiệp năng động của vùng, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng, đang sở hữu một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định. Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên bình quân đạt 7,35%/năm, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,4%/năm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,6%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%/năm.
Giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Thái Nguyên (theo giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 8%/năm; quy mô năm 2025 đạt 1,133 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên cũng đang trên đà phát triển, trở thành một điểm sáng trong cơ cấu kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Kạn bình quân đạt 6,58%/năm; trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 8,9%/năm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,1%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,9%/năm. Bắc Kạn sở hữu tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khoáng sản, du lịch, kinh tế rừng.
Hạ tầng của tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập được tăng cường thông qua các dự án trọng điểm liên vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh lân cận, mở rộng không gian phát triển liên tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo ra một thực thể kinh tế mạnh mẽ hơn.
Sự kết hợp giữa nền tảng công nghiệp vững chắc của Thái Nguyên và tiềm năng nông nghiệp, tài nguyên, du lịch của Bắc Kạn sẽ mở ra cơ hội đa dạng hóa cơ cấu kinh tế.
Thái Nguyên trở thành thị trường tiêu thụ lớn cho nông sản và là trung tâm chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, gia tăng giá trị cho cả vùng. Đồng thời, kinh nghiệm quản lý công nghiệp và thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong nhiều năm qua sẽ lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển công nghiệp tại Bắc Kạn, đặc biệt là các ngành chế biến nông, lâm sản và khai thác, chế biến khoáng sản.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ thêm về kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là vấn đề giao thoa bản sắc, làm giàu di sản của tỉnh?
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: Tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập có diện tích trên 8.300km2 (gấp 2,4 lần tỉnh Thái Nguyên hiện tại) với dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm trên 365 nghìn người). Với địa giới được mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị mới với quy mô lớn hơn.
Về cơ sở hạ tầng, sau nhiều năm đầu tư có trọng điểm Thái Nguyên đã hình thành hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại, liên vùng tương đối đồng bộ, hiện đại. Cơ sở hạ tầng điện, nước và viễn thông cũng được đầu tư tương đối đồng bộ. Qua đó đã thúc đẩy thu hút đầu tư nhiều dự án FDI, tạo sức bật mạnh mẽ, sớm đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Tuy nhiên, ở các xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.
Từ thực tế trên, tới đây tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách tổng thể và đồng bộ trên toàn lãnh thổ tỉnh mới. Thái Nguyên với nền tảng cơ sở hạ tầng hiện có đóng vai trò là trung tâm kết nối, lan tỏa sự phát triển trong toàn tỉnh.

Thái Nguyên quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết vùng.
Tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ khai thác hiệu quả vị trí trong vùng Thủ đô, gắn với tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là nghiên cứu đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (từ 4 làn xe lên 6 làn xe); mở rộng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (từ 2 làn xe lên 4 làn xe); đường cao tốc Thái Nguyên - Lạng Sơn; đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng (nay là Thái Nguyên - Cao Bằng).
Về văn hóa, cả Thái Nguyên và Bắc Kạn đều là những vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chay... Mỗi dân tộc mang trong mình những bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội và các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Thái Nguyên nổi tiếng với các lễ hội xuống đồng, hát Then, múa Tắc Xình của người Tày, Nùng, cũng như các di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Bắc Kạn lại hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp văn hóa gắn liền với hồ Ba Bể, các lễ hội truyền thống của người Tày, Mông và những làng nghề thủ công mang đậm bản sắc địa phương.
Đây là yếu tố thuận lợi cho sự giao lưu, học hỏi và tôn vinh các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Sự kết hợp giữa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của hai tỉnh sẽ tạo ra một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa.

Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương hoàn thành hạ tầng đã thu hút được nhiều dự án thứ cấp.
PV: Theo đồng chí, sự cộng hưởng những lợi thế như đã phân tích trên, sẽ hội tụ, hợp lực tạo ra sức mạnh tổng hợp để Thái Nguyên sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao trước năm 2030?
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn: Với những lợi thế đó, việc sáp nhập Thái Nguyên và Bắc Kạn mang lại nhiều thế mạnh bổ sung, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của tỉnh mới. Cụ thể, sự kết hợp giữa công nghiệp của Thái Nguyên và nông nghiệp, tài nguyên của Bắc Kạn sẽ tạo ra một chuỗi giá trị liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.
Không chỉ vậy, sự kết hợp này còn mở ra những triển vọng lớn cho ngành Du lịch của tỉnh. Tiềm năng du lịch của tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập đến từ sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa của cả hai tỉnh. Điều này sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn và đa dạng, thu hút du khách với nhiều sở thích khác nhau.
Thái Nguyên là một trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ cho các ngành kinh tế của tỉnh mới và các tỉnh trong vùng, cũng như của cả nước. Đặc biệt, việc sáp nhập có thể giúp tinh gọn bộ máy hành chính, giảm thiểu sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, và nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân, phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập, có quy hoạch 14 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung. Do vậy, việc phát triển công nghiệp, công nghệ cao sẽ rất thuận lợi.

Sân golf Glory dự kiến tháng 9-2025 đi vào hoạt động.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, việc hợp nhất 2 tỉnh cũng đặt ra không ít thách thức. Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và văn hóa có thể tạo ra những khó khăn trong quá trình quản lý và điều hành. Việc đảm bảo sự hài hòa trong phát triển giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số là những bài toán không dễ dàng.
Để vượt qua những thách thức này, ngay sau khi bộ máy chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động cần có một chiến lược quy hoạch tổng thể, đồng bộ và dài hạn, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của người dân.
Việc ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho các vùng khó khăn, và có các biện pháp hiệu quả để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là những yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công của việc hợp nhất.
Tỉnh Thái Nguyên sau hợp nhất mang trong mình kỳ vọng về việc tạo ra một cực tăng trưởng mới ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Với sự cộng hưởng về kinh tế, văn hóa, diện tích và những thế mạnh bổ sung lẫn nhau, tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng trở thành một địa phương phát triển năng động và bền vững.
Tạo động lực để Thái Nguyên phát huy truyền thống đoàn kết, khát vọng phát triển; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết vùng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu để phát triển nhanh, bền vững; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao toàn diện đời sống của nhân dân, xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao trước năm 2030, phấn đấu thành tỉnh phát triển có thu nhập cao trước năm 2045.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!