Kinh tế 6 tháng: Thể chế tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh cải cách thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, thực hiện hợp nhất tỉnh, thành, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Ảnh: TTXVN

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Ảnh: TTXVN

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh cải cách thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, thực hiện hợp nhất tỉnh, thành, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025, quyết liệt triển khai "bộ tứ trụ cột"; đồng thời chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ.... Bối cảnh này vẫn đặt trong quyết tâm nền kinh tế phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 này.

*Bệ đỡ cho tăng trưởng Điểm nổi bật là những tháng đầu năm nay, nhiều quyết sách chiến lược được xây dựng và quyết liệt triển khai ở các cấp. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV; Quốc hội cũng đã thông qua 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 6 dự án luật. Đặc biệt, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng khẳng định, những thay đổi này sẽ tạo ra một không gian phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giao quyền xuống cho các đơn vị trực tiếp; qua đó giảm đi các thủ tục hành chính như Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu là giảm nhất 30% thủ tục hành chính, giúp rút ngắn thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính. Đặc biệt, “Bộ tứ trụ cột” với 4 nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66- NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68- NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành và đang thực thi sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế. Các bộ ngành và địa phương đều quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025. Trong 6 tháng qua, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, công điện chỉ đạo điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, các bộ ngành đã tích cực thực hiện đàm phán, tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đồng thời xây dựng Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược… Không dừng ở đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả, Chính phủ tập trung đôn đốc bộ ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ đối với hàng hóa. Những nỗ lực này nhằm bảo vệ thương hiệu, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, đẩy mạnh thương mại, tiêu dùng trong nước từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Về chính sách tài khóa, Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 31/5/2025 nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hồi các khoản nợ đọng thuế, triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2025 trên 15%; thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để bổ sung vốn đầu tư phát triển... Một loạt chính sách hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp cũng được ban hành như Nghị định số 108/2025/NĐ-CP ngày 19/5/2025 cho phép giảm thuế xuất khẩu đối với clanke xi măng từ 10% xuống 5% đồng thời Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết chấp thuận kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đến hết năm 2026… Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng; nghiên cứu chính sách tín dụng để kích cầu tiêu dùng; đổi mới cách thức quản lý thị trường vàng phát triển minh bạch và lành mạnh hơn…

*Lạc quan vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025, cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam đang chuyển động nhanh chóng. Trong đó, doanh nghiệp châu Âu vẫn kiên trì thích ứng và lạc quan vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: TTXVN

Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo, mặc dù BCI quý II/2025 ghi nhận mức 61,1 và giảm nhẹ so với quý trước trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, nhưng xu hướng chung vẫn là sự lạc quan có kiểm soát. Ngoài ra, trước những biến động quốc tế và một số trở ngại nội tại tạm thời trong tiến trình cải cách tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Chủ tịch EuroCham Việt Nam Bruno Jaspaert chia sẻ, khi những biến động địa chính trị tiếp tục tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có thể xác minh cho sản phẩm trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết. Kể từ ngày 5/5/2025, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức tiếp quản quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), với định hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong một số khâu then chốt được cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao, vì hứa hẹn sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý và tích hợp hiệu quả hơn với hệ thống hải quan điện tử, chữ ký số. PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch nhưng vẫn còn những điểm nghẽn mang tính cấu trúc, đặc biệt liên quan đến chính sách công nghiệp và khu vực tư nhân. Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, nhưng chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm dưới 50 điểm từ quý IV/2024 phản ánh sự suy giảm trong sản xuất và đơn hàng; đồng thời, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt kỷ lục vào năm 2024 và vẫn rất cao trong những tháng đầu năm 2025 cho thấy doanh nghiệp vẫn đối mặt với những khó khăn. Bên cạnh đó, đầu tư công và tư nhân tăng tốc, thực hiện giải ngân cho hạ tầng trọng điểm và dòng vốn FDI vào công nghệ cao giúp thúc đẩy sản xuất. “Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch là rất thách thức đòi hỏi phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để tăng đóng góp của đầu tư công với tăng trưởng trong điều kiện các động lực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng có nguy cơ sụt giảm nếu mức thuế quan của Mỹ ở mức cao hơn kỳ vọng”, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) nhận định. Các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu nêu kiến nghị, cần thực hiện hiệu quả chủ trương đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, hợp nhất tỉnh thành, "bộ tứ trụ cột", chống lãng phí, cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh. Bên cạnh việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai "bộ tứ trụ cột" theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị, kiên quyết tháo gỡ khó khăn về thể chế, biến cải cách thể chế thành lợi thế cạnh tranh, nguồn lực phát triển; khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua...; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ… Bà Vanessa Kristina Steinmetz, Giám đốc FNF Việt Nam cũng cho rằng, khu vực tư nhân đang là động lực năng động nhất của nền kinh tế. Do đó, việc cải cách thể chế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện tiếp cận vốn, công nghệ và kỹ năng… là những yếu tố quyết định để doanh nghiệp tư nhân phát triển vững mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Nguyễn Huyền/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-6-thang-the-che-tao-dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te/378973.html