Quản trị sự thay đổi - Chìa khóa thành công trong Tái cấu trúc Chính quyền địa phương
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn cải cách bộ máy hành chính sâu rộng, việc sáp nhập tỉnh, giảm cấp hành chính trung gian (cấp huyện), chính thức áp dụng mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã) là một bước đi mang tính đột phá. Tuy nhiên, để quá trình này đạt được mục tiêu tinh gọn, hiệu lực - hiệu quả, điều then chốt chính là năng lực 'quản trị sự thay đổi' ở các cấp lãnh đạo, quản lý địa phương.

1. VÌ SAO CẦN "QUẢN TRỊ SỰ THAY ĐỔI"?
Không một cuộc cải cách hành chính nào chỉ đơn thuần là việc tái phân chia địa giới hay tổ chức lại cơ quan. Đằng sau đó là sự thay đổi căn bản trong cách thức quản lý, điều hành và vận hành bộ máy nhà nước. Khi sáp nhập tỉnh hay xóa bỏ cấp huyện, không chỉ địa giới hành chính bị thay đổi, mà con người, tâm lý, mối quan hệ quyền lực, lợi ích, thói quen làm việc… đều phải điều chỉnh.
Sự thay đổi này - nếu không được quản trị tốt – có thể dẫn đến rối loạn tổ chức, tâm lý chống đối, hiệu suất công việc giảm sút, thậm chí bất ổn chính trị - xã hội cục bộ. Bởi vậy, “quản trị sự thay đổi” không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu bắt buộc trong tiến trình sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương.
2. NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA TRONG QUẢN TRỊ SỰ THAY ĐỔI CẤP TỈNH - HUYỆN
Thứ nhất, đó là tâm lý e ngại mất quyền lực. Việc giảm cấp trung gian và sáp nhập các đơn vị có thể làm cho một bộ phận cán bộ cảm thấy bị “giảm vai trò”, “lùi về tuyến sau”, từ đó nảy sinh tâm lý ngần ngại thay đổi, hoặc thậm chí phản ứng ngầm.

Thứ hai, đó là xung đột lợi ích giữa các vùng, địa phương. Khi hai tỉnh hoặc các đơn vị được sáp nhập, sự khác biệt về trình độ phát triển, cơ sở hạ tầng, ngân sách hay vị thế chính trị có thể dẫn tới sự cạnh tranh ngầm, yêu cầu công bằng, phân bổ nguồn lực minh bạch và hợp lý.
Thứ ba, đó là lúng túng trong mô hình tổ chức mới. Cơ cấu bộ máy khi chuyển đổi sang mô hình hai cấp sẽ thay đổi cả về chức năng, nhiệm vụ và quy trình phối hợp. Nếu không có lộ trình rõ ràng và sự đồng thuận cao, dễ dẫn đến “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
3. NHỮNG NGUYÊN TẮC CỐT LÕI TRONG QUẢN TRỊ SỰ THAY ĐỔI
Một là, minh bạch - công khai - giải thích rõ ràng. Một trong những yếu tố quyết định thành công của quá trình thay đổi là thông tin. Lãnh đạo địa phương cần công khai kế hoạch sáp nhập, lý do thay đổi, lộ trình thực hiện và những tác động cụ thể đến đội ngũ cán bộ, nhân dân. Khi người trong cuộc hiểu rõ bản chất và mục tiêu của thay đổi, họ sẽ dễ chấp nhận và đồng hành.

Hai là, chuyển đổi mềm - tôn trọng quá khứ, mở ra tương lai. Thay đổi nên đi kèm với sự tôn trọng những giá trị đã có. Việc đặt tên tỉnh mới, xác định trung tâm hành chính, điều chuyển nhân sự… cần được thực hiện một cách linh hoạt và có tính nhân văn. Nếu người dân cảm thấy “được tôn trọng”, họ sẽ sẵn sàng gắn bó với thực thể hành chính mới.
Ba là, phát huy vai trò của đội ngũ trung gian và người có uy tín. Không thể quản trị sự thay đổi hiệu quả nếu thiếu vắng lực lượng “chất keo kết dính”. Đó là những cán bộ chủ chốt cấp xã, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí. Đây chính là các "tác nhân thay đổi” góp phần lan tỏa tinh thần cải cách.
4. GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI QUẢN TRỊ SỰ THAY ĐỔI CẤP ĐỊA PHƯƠNG
Thứ nhất, xây dựng “bản đồ thay đổi” rõ ràng: Lập kế hoạch chuyển đổi cụ thể, phân giai đoạn (trước - trong - sau thay đổi), có thời hạn, mục tiêu, người chịu trách nhiệm và cơ chế giám sát tiến độ.
Thứ hai, tái cấu trúc nhân sự trên nguyên tắc hài hòa: Tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, đảm bảo cán bộ có nơi đi - việc làm phù hợp, tránh tình trạng “thừa người - thiếu việc”.
Đào tạo kỹ năng quản trị thay đổi cho cán bộ lãnh đạo các cấp. Lãnh đạo cấp tỉnh, cấp xã cần có kiến thức cơ bản về tâm lý tổ chức, quản trị chuyển đổi và truyền thông nội bộ.
Thứ ba, tổ chức truyền thông chiến lược: Không để “tin đồn” dẫn dắt dư luận. Cần có các kênh chính thống cập nhật thường xuyên tiến trình thay đổi, đồng thời tiếp nhận phản hồi từ người dân một cách kịp thời và thân thiện.
5. QUẢN TRỊ SỰ THAY ĐỔI LÀ BÀI KIỂM TRA BẢN LĨNH CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Chưa bao giờ bài toán “đổi mới để phát triển” lại đặt ra cấp thiết như hiện nay. Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là một thay đổi lớn, nhưng nếu biết cách quản trị tốt thì đây chính là cơ hội “tái sinh” bộ máy chính quyền - hiệu quả, gần dân, tiết kiệm ngân sách và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển.
Trong thời đại số và hội nhập, năng lực quản trị sự thay đổi cũng là một thước đo trình độ lãnh đạo, và là cơ hội để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ ở địa phương.
Tóm lại, thay đổi là tất yếu. Quản trị sự thay đổi là lựa chọn khôn ngoan. Khi chính quyền địa phương biết lắng nghe - đồng hành - chủ động - minh bạch, thì sự thay đổi nào cũng sẽ là khởi đầu cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn.