Đoàn kết, đồng lòng hướng đến một giai đoạn phát triển mới

Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng trở thành vùng đất hội tụ 49 dân tộc anh em, giàu bản sắc văn hóa, phong tục, tín ngưỡng. Sự đa dạng ấy không chỉ là nét đặc trưng riêng, mà còn là nguồn lực nội sinh quý giá cho hành trình phát triển sắp tới.

Diện mạo vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng ngày càng khởi sắc. Ảnh: Chính Thành

Diện mạo vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng ngày càng khởi sắc. Ảnh: Chính Thành

Trong bối cảnh cả nước đang chuyển mình mạnh mẽ, phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy nội lực văn hóa và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là chìa khóa để Lâm Đồng tiến nhanh, tiến vững trên con đường đổi mới.

Lâm Đồng hiện có hơn 683.000 người dân là đồng bào DTTS (chiếm 17,6% dân số toàn tỉnh), sinh sống trải dài từ núi rừng Tây Nguyên đến các xã ven biển, không chỉ tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu mà còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh.

Đồng bào các DTTS đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương

Đồng bào các DTTS đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương

Tinh thần yêu nước, gắn bó cộng đồng và truyền thống tương thân tương ái luôn được gìn giữ, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, đội ngũ già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo luôn là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách; đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Trong không khí đoàn kết, phấn khởi sau sáp nhập, già làng Liêng Hót Ha Chong (sinh năm 1930, người K’Ho, xã Đam Rông 4) bày tỏ niềm vui: “Tôi rất mừng, rất phấn khởi. Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông nay đã là một nhà. Bà con các DTTS có thêm cơ hội giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau phát triển. Đó là điều rất đáng quý”. Già Ha Chong cũng gửi gắm niềm tin vào chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS trong dòng chảy phát triển chung.

Tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Ảnh: C.Thành

Tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Ảnh: C.Thành

Từ bon Bu Boong, xã Đức An, ông Điểu Yơt (người M’nông, sinh năm 1966), người có uy tín tại địa phương, cũng bày tỏ mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường, điện, nước, hỗ trợ sinh kế để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. “Có tỉnh mới, bà con càng thêm đồng lòng, gắn kết, cùng nhau phát triển”, ông nói.

Còn tại xã Tuy Phong, ông Đoàn Minh Duyên (sinh năm 1946), người có uy tín trong cộng đồng người Chăm, kỳ vọng tỉnh quan tâm hơn nữa đến đời sống, văn hóa, tín ngưỡng và công tác bảo tồn các di tích, đền thờ truyền thống. “Những năm qua, hệ thống điện, đường, trường, trạm ở vùng người Chăm được Nhà nước đầu tư khang trang. Tôi mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục đồng hành để bà con an cư, gìn giữ văn hóa và vươn lên phát triển bền vững”, ông bày tỏ.

Tỉnh Lâm Đồng là vùng đất đa văn hóa, giàu bản sắc

Tỉnh Lâm Đồng là vùng đất đa văn hóa, giàu bản sắc

Đáp lại niềm tin và kỳ vọng của đồng bào các DTTS, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, đồng thời dành nguồn lực hỗ trợ, ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Ông Bùi Huy Thành - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cho biết: “Sau sáp nhập, ngoài việc tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, Sở xác định nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết là triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là nhiệm vụ then chốt nhằm nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời giữ vững quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”.

Khơi dậy khát vọng phát triển từ sức mạnh đại đoàn kết chính là chìa khóa mở ra tương lai bứt phá cho Lâm Đồng trong giai đoạn mới. Với sự đồng lòng của 49 dân tộc anh em, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Nhật Quỳnh

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doan-ket-dong-long-huong-den-mot-giai-doan-phat-trien-moi-382186.html