Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là 'máu-thịt' của dân tộc Việt Nam, 'no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau'; đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam ta.
Dự đại hội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; MTTQ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, đại diện nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ... là người dân tộc thiểu số, cùng gần 1.600 đại biểu chính thức của Đại hội.
Trình bày diễn văn khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phó Thủ tướng thường trực nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021-2025 hơn 130 nghìn tỷ đồng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin và du lịch; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh.
Đoàn đại biểu thanh thiếu nhi các dân tộc thiểu số đến chúc mừng; đồng thời gửi tới Đại hội lời hứa luôn đoàn kết, ra sức thi đua, phấn đấu trong học tập, công tác, lao động sản xuất, quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, cùng nhau đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.
Tiếp đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo chính trị trình Đại hội. Báo cáo nêu rõ, từ Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ nhất đến nay, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Báo cáo nêu mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030. Trong đó, có một số mục tiêu như: Phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng hơn hai lần so với năm 2020, đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Mỗi năm giảm hơn 3% tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến năm 2030 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2030, quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở...
Bên cạnh đó, bảo tồn, phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đến hết năm 2025, có 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Đặc biệt, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030...
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc, như 54 cánh sen tạo nên một Bông sen Việt Nam rực rỡ, ngát hương.
Thủ tướng ghi nhận, sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương. Bên cạnh các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, các tỉnh khó khăn – nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí không để tỉnh nhà bị bỏ lại phía sau, quyết tâm phải làm cho các dân tộc tỉnh nhà ngày càng vươn lên cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị từ T.Ư đến cơ sở cần tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đề nghị chính quyền các địa phương phát huy tính năng động, sáng tạo, trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung nỗ lực và nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và tránh tái nghèo.
Thủ tướng mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số tạo mọi điều kiện cho con em đến trường; cùng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết; chung tay bảo vệ, giữ gìn tài nguyên rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho đất nước, chống thiên tai và biến đổi khí hậu; cùng xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi.