Đoàn kết ngư dân trên biển
Nhiều nghiệp đoàn nghề cá hoạt động hiệu quả trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, hỏi địa phương nào ngư dân hỗ trợ nhau làm giàu hiệu quả thì phải kể đến thôn Đông Hải, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Từ một thôn nghèo, bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày.
Hiệp lực để làm giàu
Hầu hết người dân Đông Hải sống tựa vào biển, nghiệp ra khơi đã ngấm vào máu từng người. Mười năm trở lại đây, ngư dân Đông Hải đã thay đổi tư duy, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Nhiều gia đình mua thêm tàu, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Toàn thôn Đông Hải hiện có khoảng 40 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 160-450 CV. Để có đủ số lượng bạn chài cùng bám biển dài ngày, ngoài lực lượng thanh niên quê Lộc Trì làm chủ lực, các chủ tàu Đông Hải còn tạo việc làm cho bạn chài từ các địa phương khác. Tất cả cùng đồng tâm hiệp lực nuôi hy vọng bám biển làm giàu.
Ngư dân Đông Hải giàu lên là nhờ kết hợp đánh bắt lớn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi tháng trung bình một tàu có 10-12 chuyến vận chuyển nhiên liệu, thức ăn, nước đá để cung ứng cho các đại lý nhà buôn, chủ cá ở các bến. Các chủ tàu ở Đông Hải có sự liên kết chặt chẽ trong làm ăn, người khá giúp người khó để cùng nhau thoát nghèo. "Bà con rất đoàn kết. Trên biển vô vàn chuyện xảy ra, nếu mạnh ai nấy lo thì khó tránh khỏi rủi ro, thua thiệt" - ngư dân Trần Lượng chia sẻ.
Cũng theo ngư dân Trần Lượng, với mục đích giúp đỡ nhau, ngư dân họp bàn với nhau, lập các tổ đoàn kết trên biển. Khi có tàu gặp rủi ro, hư hỏng trên biển thì các tàu trong tổ có trách nhiệm hỗ trợ, lai dắt vào bờ. Tàu nào không thực hiện thì phải nộp 300.000-400.000 đồng để làm "phí trợ giúp ngư dân" cho tàu khác mua dầu kéo vào. Tàu nào trong chuyến ra khơi đó trúng đậm, tùy lòng hảo tâm, hỗ trợ cho tàu gặp nạn từ 1 triệu đến 2 triệu đồng để bù vào chi phí tiền đá, dầu. Nhờ sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực này mà ngư dân Đông Hải hạn chế được rủi ro.
Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 400 tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa với sản lượng hải sản khai thác đạt hơn 10.000 tấn/năm. Để đoàn kết, giúp nhau bám biển, ngoài các chi hội nghề cá, địa phương này còn lập CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển. CLB thành lập từ năm 2016, hoạt động khá hiệu quả.
Ngư dân trẻ Trần Văn Cường, chủ nhiệm CLB, cho biết CLB có 10 tàu thành viên, trong đó nhiều tàu được hỗ trợ vay vốn đóng mới theo Nghị định 67. Lực lượng thành viên của CLB chủ yếu là trai tráng, phân công đi bạn cho các tàu trên. "Anh em sinh hoạt tập trung thường xuyên để thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt. Mỗi khi có sự cố, bị nạn trên biển, nhất là những lúc bị tàu nước ngoài đe dọa, ngư dân đi bạn, chủ tàu hỗ trợ, bảo vệ cho nhau kịp thời" - anh Cường nói.
Điểm tựa của ngư dân
Cùng với các mô hình trên, nghiệp đoàn nghề cá đóng vai trò chủ lực trong hỗ trợ ngư dân bám biển.
Là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam, thành lập năm 2013, Nghiệp đoàn Nghề cá Tam Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) với 152 chiếc tàu đánh bắt xa bờ được xem là đơn vị hoạt động có hiệu quả nhất ở tỉnh này. Nghiệp đoàn tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đoàn viên, ngư dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên; hỗ trợ đoàn viên gặp tai nạn trên biển và gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về kinh nghiệm hỗ trợ ngư dân, ông Huỳnh Thế Điểu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Tam Quang, chia sẻ cách làm: "Chúng tôi chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức để bà con tuân thủ pháp luật, đánh bắt hợp pháp. Bên cạnh đó là phát huy tinh thần đoàn kết trên biển cho ngư dân, cung cấp thông tin nơi có nhiều hải sản để cùng nhau đưa tàu thuyền đến khai thác…". Cũng nhờ cách làm trên, lúc gặp nạn trên biển, ngư dân luôn đề cao trách nhiệm bảo vệ nhau. Vào tháng 9-2019, tàu cá QNa-90569TS của ông Phan Bá Tín bị gãy trục láp và được tàu QNa-91636TS của ông Nguyễn Thanh Thành bỏ đánh bắt giữa chừng để đến lai dắt đưa vào bờ.
Ngoài ra, Nghiệp đoàn Nghề cá Tam Quang còn dành khoản kinh phí từ nguồn đoàn viên đóng góp để thăm hỏi, động viên chủ tàu, thuyền viên gặp nạn. Mới đây, nghiệp đoàn kịp thời hỗ trợ tàu cá của ông Huỳnh Tèo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) bị tàu Trung Quốc đâm va và tàu của ông Trần Văn Nhân (cũng ở thôn Sâm Linh Đông) bị đập phá, cướp 2 tấn mực trong lúc đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông Nhân bày tỏ: "Sau chuyến biển bị cướp, tàu của tôi bị thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Nhờ có sự giúp đỡ của nghiệp đoàn nghề cá, các cấp chính quyền, tôi mới có điều kiện mua ngư cụ mới để tiếp tục ra khơi".
Nghiệp đoàn Nghề cá phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cũng là điểm tựa của ngư dân trong những năm qua. Nghiệp đoàn có 90 tàu cá với hơn 1.000 đoàn viên. Ông Cao Văn Minh, chủ tịch nghiệp đoàn, cho hay ngoài chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, nghiệp đoàn còn vận động đóng góp hỗ trợ ngư dân khó khăn, chú trọng tuyên truyền ý thức bảo vệ chủ quyền, hướng dẫn bà con đánh bắt, tuân thủ pháp luật. "Bên cạnh đó, nghiệp đoàn còn xây dựng quy ước về đoàn kết ngư dân trên biển. Theo quy ước này, các tàu cá ở gần nhất với tàu bị nạn phải tới ứng cứu. Đây là việc làm hết sức cần thiết và ngư dân rất ủng hộ" - ông Minh nhấn mạnh.
Hàng ngàn tỉ đồng giúp ngư dân cải hoán, đóng tàu mới
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng giúp ngư dân có điều kiện cải hoán, nâng cấp tàu cũ và đóng mới tàu lớn hiện đại vươn khơi xa, bám biển dài ngày, khai thác hải sản đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện toàn tỉnh có 6.115 tàu cá, 750 tổ, đội đoàn kết trên biển với khoảng 3.300 tàu đánh bắt xa bờ.
Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt hơn 257.000 tấn, tăng 5,6% so với năm 2018. Trong đó, thủy sản khai thác đạt hơn 245.000 tấn, thủy sản nuôi trồng đạt hơn 12.000 tấn. Riêng cá ngừ đại dương khai thác đạt 11.323 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của tỉnh ước đạt 81,2 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhân rộng đánh bắt theo tổ, đội
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết sau vụ việc tàu cá ngư dân Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở khu vực gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào rạng sáng 2-4, Hội Nghề cá Việt Nam động viên ngư dân bình tĩnh, đoàn kết; đồng thời khuyến cáo đánh bắt theo tổ, đội để kịp thời ứng cứu, bảo vệ khi có sự cố xảy ra.
Thực tế, với việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, nhiều địa phương áp dụng phổ biến việc đánh bắt theo tổ, đội. Điển hình như phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tổ chức các "tổ đoàn kết" để ra khơi, mỗi tổ từ 3 tàu trở lên. Ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước triển khai các tổ đánh bắt với mỗi tổ 5-7 tàu; còn Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng phân công 30 tàu thành 5 ngư đội cùng khai thác ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực Nhà giàn DK1. Với việc lập các ngư đội này, ngoài hỗ trợ đánh bắt, mỗi khi có tàu gặp nạn hay bị tàu nước ngoài đe dọa, tấn công, lập tức các thành viên có mặt kịp thời để hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, những ngày qua, hiệp hội thường xuyên động viên ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt bình thường trên vùng biển chủ quyền của nước ta; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, đội liên kết ra khơi bám biển. Cũng theo ông Hào, ngày càng có nhiều ngư dân Bình Định liên kết thành tổ, đội. Việc đánh bắt này không chỉ giúp ngư dân bảo vệ cho nhau mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhất là trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây phức tạp tình hình trên biển Đông.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/doan-ket-ngu-dan-tren-bien-20200417200414269.htm