Đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn

Tập trung đầu tư công

Giải trình các ý kiến đóng góp của các Tổ đại biểu TX.Bến Cát, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng đề nghị làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Võ Văn Minh cho biết tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 là 12.296 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến ngày 15-11-2021 là 4.621 tỷ đồng, đạt 37,6% kế hoạch. Rút kinh nghiệm đối với công tác đầu tư công năm 2020 và những năm trước, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư công trọng điểm nhiệm kỳ 2020-2025, Đoàn kiểm tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông... Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là từ tháng 4 đến tháng 10-2021 bùng phát mạnh, làm các hoạt động phải tạm dừng, gián đoạn hoặc chỉ thực hiện được một số công việc. Sau khi tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”, giải ngân đầu tư công có xu hướng khả quan hơn, giá trị giải ngân tính riêng từ ngày 15-9 đến 30-11 đã cao hơn 75% giá trị giải ngân trong 9 tháng đầu năm. Ước khối lượng thực hiện đủ điều kiện giải ngân cả năm 2021 là 9.296 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu giải trình ý kiến của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Q.CHIẾN

UBND tỉnh tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công trong thời gian tới: Nhóm giải pháp về thủ tục đầu tư; nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành là tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển...; nhóm giải pháp về giải phóng mặt bằng và huy động vốn.

Nhiều dự án tạo động lực phát triển

Giải trình trước kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2021, Thường trực Chính phủ đã có buổi làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghe báo cáo đề xuất và đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Bình Dương chuẩn bị đầu tư một số dự án. Cụ thể là 2 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743 theo phương thức đối tác công tư (PPP) và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai thực hiện các dự án: Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Đồng Nai… Đây là những tuyến đường huyết mạch của tỉnh, khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông thời gian qua.

Bên cạnh đó, tỉnh vẫn duy trì thường xuyên việc nâng cấp, sửa chữa, dặm vá, đầu tư đèn chiếu sáng, nâng cấp hệ thống thoát nước; đồng thời tiếp tục duy trì triển khai phân luồng giao thông theo giờ, theo tuyến linh hoạt, bố trí lực lượng gác chốt, ứng dụng công nghệ trong điều hòa giao thông tại các giao lộ trọng điểm, huyết mạch.

“Nâng chất” ngành y

Giải trình các ý kiến của Tổ đại biểu TP.Dĩ An chỉ tiêu tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân chỉ đạt 7,50% (kế hoạch trong năm 2021 là 7,55%), Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong 5 năm qua, ngành y tế đã có nhiều biện pháp để thu hút y bác sĩ về công tác tại địa phương. Mặc dù có rất nhiều bác sĩ nghỉ hưu, chuyển công tác, nghỉ việc, nhưng số lượng bác sĩ tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ 1.135 bác sĩ năm 2016 lên 2.008 bác sĩ năm 2021 (trung bình mỗi năm tăng thêm 175 bác sĩ). Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học của tỉnh quá nhanh và năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chỉ tuyển dụng được thêm 123 bác sĩ (89 khối công lập và 34 bác sĩ khối tư nhân) nên tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng chỉ đạt 7,50/vạn dân.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ và kiến nghị Trung ương tăng biên chế sự nghiệp ngành y tế cho tỉnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế triển khai thực hiện cho các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 8-11-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, giao Sở Y tế phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ; kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc, lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá, đội giá, bảo đảm chất lượng, giá cả thị trường.

Tập trung giải pháp phục hồi kinh tế

Cùng với việc giải trình, làm rõ các ý kiến đóng góp của các tổ đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh nêu chi tiết phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mất kiểm soát để dịch bùng phát trở lại. UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phục và phát triển kinh tế; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp triển khai một số dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh sẽ hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND tỉnh yêu cầu tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ngành y tế, giáo dục; khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường trong 6 tháng đầu năm 2022; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chích sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các chính sách an sinh xã hội; triển khai kế hoạch dạy và học phải an toàn, phù hợp diễn biến của dịch. UBND tỉnh yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và quản lý đô thị thông minh; triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Nhiệm vụ trong năm 2022 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu và đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp thu những ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, UBND tỉnh sẽ nhanh chóng triển khai, cụ thể hóa các Nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp lần thứ 3, HĐND tỉnh khóa X. UBND tỉnh rất mong tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự đồng thuận của quân và dân trong tỉnh. “Xin trân trọng đề nghị HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tăng cường giám sát, phản ảnh kịp thời kiến nghị để UBND tỉnh chỉ đạo điều hành có hiệu quả, kịp thời nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả để khôi phục sản xuất và phát triển KT-XH, tạo nền tảng để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025”, ông Võ Văn Minh nói.

Công tác quản lý thị trường, giá cả luôn được các ngành, các cấp quan tâm, đặc biệt là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch nên không xảy ra khan hiếm và giá cả ổn định. Để tiếp tục quản lý thị trường, hàng hóa thiết yếu trong thời gian tới, đặc biệt là thời gian cuối năm 2021, Tết Nguyên đán 2022 và phòng, chống dịch, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6419/KH-UBND ngày 30-11- 2021. Trong đó, giao Sở Y tế chỉ đạo nhà thuốc thực hiện bình ổn thuốc trị bệnh cho người, các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm mục đích tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…”.

(Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh)

HỒ VĂN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/doan-ket-quyet-tam-vuot-qua-kho-khan-a261325.html