Đoàn kết, quyết tâm xây dựng Gia Lai phát triển bền vững
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh, sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân dân về nội dung này.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 từ đầu nhiệm kỳ đến nay?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025; cũng như các địa phương trong cả nước, bên cạnh thuận lợi, tỉnh Gia Lai phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đã đạt một số kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn năm 2021-2023 ước tăng 9,1%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 71,42 triệu đồng. Tốc độ tăng thu bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 13,6%, giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,1% đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: Năm 2020 đạt 4.582,4 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt 5.910 tỷ đồng, năm 2025 ước đạt 7.764 tỷ đồng). Các dự án kêu gọi đầu tư được đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án năng lượng tái tạo. Nông nghiệp tiếp tục được xác định là ngành đóng vai trò chủ đạo; tỉnh đã hình thành và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; đã dần hình thành tính liên kết vùng giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng, đến nay toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020; có ba đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa. Có 125 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số).
Cùng với kinh tế, văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng: Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh đi học các cấp học đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; mạng lưới y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là y tế cơ sở; các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được chú trọng và triển khai đồng bộ; các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoàn thành tốt diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh và diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện. Kịp thời phát hiện, bóc gỡ các đối tượng có dấu hiệu nhen nhóm phục hồi FULRO, “Tin lành Đê Ga”. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập và hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả.
Đảng bộ tỉnh luôn chủ động, tích cực, quyết liệt, sâu sát trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng, có nhiều đổi mới, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác tổ chức, cán bộ (quy hoạch cán bộ; luân chuyển cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…).
Phóng viên: Theo đồng chí, những vấn đề đáng chú ý rút ra về kết quả đạt được, kinh nghiệm, bài học thực tiễn của tỉnh Gia Lai trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Qua gần ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Một là, để lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra phải tập trung xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tạo sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hai là, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, của từng địa phương. Trong lãnh đạo, điều hành phải năng động, sáng tạo, xác định những vấn đề trọng tâm; tận dụng nắm bắt các cơ hội thuận lợi, tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, giải quyết kịp thời những yếu kém, khó khăn, vướng mắc. Tiến hành đồng bộ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng, củng cố thế trận phòng thủ vững chắc ở các tuyến biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Phóng viên: Xin đồng chí nêu những giải pháp để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Từ nay đến năm 2025, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trước mắt, tập trung rà soát, lãnh đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy đã ban hành; triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung chỉ đạo thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thực chất, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích, lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu cuối cùng của mọi nhiệm vụ.
Hai là, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm, triển khai các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Triển khai các đề án, dự án có tính lan tỏa và là động lực cho phát triển của tỉnh. Sớm hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo đảm hoàn thành kế hoạch trồng rừng và chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách.
Ba là, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao. Chú trọng công tác giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm.
Bốn là, triển khai thực hiện nghiêm nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Tăng cường nắm tình hình, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý dứt điểm những phản ánh, kiến nghị của người dân.
Năm là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đổi mới phương thức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nắm bắt kịp thời dư luận, tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Chú trọng công tác dân vận, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bảo đảm thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nhiệm vụ đặt ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại hết sức nặng nề, song với truyền thống đoàn kết, với kết quả và kinh nghiệm đã có, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, tạo được nhiều nguồn lực mới cho nhiệm kỳ tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!