Đoàn kết, thi đua xây dựng nông thôn mới ở vùng căn cứ cách mạng Mường Chanh
Ngày 17/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Hữu Đông đã tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư bản Cang Mường, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn.
Phát biểu tại Ngày hội, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Chanh nói chung và bản Cang Mường nói riêng đã phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Chi ủy, Ban Quản lý, Ban Công tác Mặt trận bản cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của bản.
Cùng với đó, bản tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua, tham gia đóng góp nguồn lực, công sức hỗ trợ xóa nhà tạm. Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo xây dựng Chi bộ bản trong sạch, vững mạnh.
Xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn là căn cứ cách mạng của tỉnh Sơn La. Đặc biệt, cuối năm 1943, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Nhà tù Sơn La, tổ chức cách mạng Thanh niên cứu quốc Mường Chanh ra đời gồm 12 hội viên. Từ đó, phong trào cách mạng đã lan rộng tới nhiều địa phương khác của tỉnh.
Ngày 19/8/1945, Trung đội du kích Mường Chanh cùng đông đảo nhân dân đã tiến vào bao vây nhà Chánh phìa, buộc chúng đầu hàng, trao nộp ấn tín cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa ở Mường Chanh thắng lợi nhanh chóng. Khởi đầu từ căn cứ Mường Chanh, các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã liên tiếp thắng lợi ở các châu Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu. Đến ngày 26/8/1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, tuyên bố khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, năm 1998, xã Mường Chanh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2006, Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng Di tích lịch sử.
Bản Cang Mường hiện có 126 hộ, với 574 khẩu. Những năm qua, Chi ủy, Ban Quản lý và Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên của bản luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân nêu cao truyền thống đoàn kết, nỗ lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế; chung sức cùng cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng bản nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của bản đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm; tăng 10 hộ giàu, 35 hộ khá so với năm 2023, không còn hộ nghèo, không có tệ nạn xã hội, an ninh nông thôn được đảm bảo.
Trong năm 2024, nhân dân trong bản đã hiến trên 6.400 m2 đất và nhiều tài sản trên đất để mở rộng nền đường liên bản, nội bản từ 3,5 m lên 7,5 m, với tổng chiều dài hơn 1,6 km. Đồng bào cũng góp 251 ngày công di chuyển hàng rào, công trình phụ; đóng góp hơn 220 triệu đồng để hoàn thiện nền đường; trồng 500 cây phân tán đa mục tiêu dọc trục đường giao thông, vườn đồi… Qua bình xét, năm 2024, bản có 120/126 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Dịp này, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông và các đại biểu dự Lễ ra quân mở rộng tuyến đường liên xã từ 5m lên 10m, đoạn qua các bản Cang Mường, Ten Hịa, Nà Cà, Nặm Bông đi đến xã Bản Lầm (huyện Thuận Châu) với tổng chiều dài 2,7 km.