Đoàn kết - Trung kiên - Gương mẫu - Nghĩa tình
Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh thành lập được 10 năm. Trong thời gian qua, những cán bộ, chiến sĩ cộng sản kiên trung trong nhà tù thực dân, đế quốc năm xưa tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Nhân Đại hội lần III Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Minh Tâm chia sẻ:
Trong chiến tranh, địch xây dựng rất nhiều nhà lao để giam cầm, tra tấn những cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân yêu nước. Từ huyện cho tới tỉnh, đâu đâu cũng có nhà tù, khám đường của địch. Đặc biệt, có 2 nhà tù lớn, khét tiếng man rợ là nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc. Nhà tù Phú Quốc là nơi tập trung nhiều tù nhân nhất, ước tính khoảng 30.000 người.
Biết bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân yêu nước đã bị chúng giam cầm, tù đày khổ sai và hy sinh trong tù. Những người tù kháng chiến đã bị chúng tra tấn bằng đủ thứ nhục hình dã man: Đánh đập, trùm bao bố nhúng nước sôi, tra điện, xả súng bắn tập thể, nhốt chuồng cọp, xà lim, đục răng, ghim kim vào các đầu ngón tay, chân… Bị nhục hình khốc liệt như vậy nhưng đại bộ phận tù kháng chiến đều giữ được khí tiết bất khuất, kiên trung. Trong tù, các đồng chí vẫn kiên tâm đấu tranh chống lại kẻ thù, bí mật thành lập các tổ chức đấu tranh như lực lượng xung kích...
Nhiều đồng chí đã bị địch tra tấn đến chết vẫn một mực không khai. Bởi vì, những người cộng sản, khi thoát ly gia đình đi làm cách mạng đã chuẩn bị cho mình tư thế chiến đấu đến cùng và sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhục hình của địch không làm các đồng chí nao núng, mà còn làm tăng thêm sự căm phẫn và nung nấu ý chí đấu tranh đến cùng với giặc. Sau giải phóng, phần lớn tù binh được trao trả, tù chính trị thì được giải thoát sau khi quân giải phóng phá nhà lao…
* PV: Vai trò của người cựu tù kháng chiến trong giai đoạn hiện nay như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Minh Tâm: Sau giải phóng, những người tù kiên trung đã trở về địa phương tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Nhiều đồng chí trở về tiếp tục công tác, tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất cách mạng của cựu tù và đều trưởng thành. Một số đồng chí trở thành lãnh đạo của cơ quan Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Một số thì tham gia hoạt động kinh tế. Những đồng chí không có điều kiện thì sống ở nhà làm một công dân tốt, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ…
Thời gian bị cầm tù các đồng chí luôn giữ vững khí tiết, thì nay hòa bình không lý do gì để bị sa ngã. Các đồng chí đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, sống có mục tiêu lý tưởng, làm việc có mục đích rõ ràng. Hiện tại, phần đông cựu tù kháng chiến có đời sống vật chất và tinh thần tốt, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, được hưởng các chế độ, chính sách và tạo điều kiện giúp đỡ như bao gia đình chính sách khác.
Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến được thành lập xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của những anh chị em một thời sát cánh bên nhau cùng đồng cam cộng khổ trong chốn lao tù của địch; có một thời tuổi trẻ cùng chung lý tưởng, kề vai sát cánh bên nhau trong thời kỳ chống giặc cứu nước. Nhà tù của giặc đã tăng thêm chất keo kết chặt tình đồng chí, đồng đội mà thời gian không thể làm phai mờ được. Thông qua sinh hoạt Ban liên lạc, những cựu tù kháng chiến chúng tôi gặp gỡ ôn lại quá khứ và động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống…
* PV: Trong thời gian qua, Ban liên lạc đã phối hợp thực hiện chế độ, chính sách và chăm sóc đời sống hội viên như thế nào?
* Đồng chí Nguyễn Minh Tâm: Phối hợp thực hiện chế độ, chính sách và chăm sóc đời sống là một nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và được lãnh đạo Sở nhiệt tình chỉ đạo tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2013 của Chính phủ và các Thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, các văn bản hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH, giúp Ban liên lạc cấp huyện thường xuyên phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH cùng cấp tiến hành rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đủ điều kiện nhưng chưa được công nhận và chưa được giải quyết chính sách xác nhận thái độ chính trị trong tù đề nghị Sở LĐ-TB&XH xem xét, giải quyết.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.259 cựu tù kháng chiến đã được giải quyết chế độ, chính sách, trong đó có 1.524 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng; số cựu tù được hưởng chính sách đã từ trần là 735 người; số cựu tù được Chính phủ tặng Kỷ niệm chương là 2.229. Trong đó, đặc biệt có 18 cựu tù được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 6 cựu tù được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 83 người hy sinh trong tù được Nhà nước truy tặng Liệt sĩ. Về chế độ trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm y tế, điều dưỡng luân phiên theo quy định của Nhà nước đối với cựu tù kháng chiến được ngành LĐ-TB&XH giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Về công tác chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần, trong nhiệm kỳ, Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh và cấp huyện phối hợp vận động xây tặng 50 nhà tình nghĩa với tổng trị giá 2 tỷ đồng và sửa chữa 50 căn nhà với tổng chi phí 1 tỷ đồng cho 100 cựu tù có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, góp phần ổn định về nhà ở cho cựu tù và gia đình họ.
Nêu cao tinh thần “Đoàn kết - Trung kiên - Gương mẫu - Nghĩa tình”, Ban liên lạc từ cấp tỉnh đến cấp huyện tự nguyện đóng góp Quỹ Nghĩa tình với tổng số tiền hàng tỷ đồng để tổ chức thăm hỏi cựu tù lúc đau bệnh, phúng viếng khi từ trần… Nhân dịp tết cổ truyền dân tộc, các ngày lễ truyền thống hằng năm, Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh và cấp huyện vận động các tổ chức, các cựu tù làm kinh tế giỏi tặng quà cho các cựu tù có đời sống khó khăn… Việc làm này tuy chưa nhiều, song tạo được sự phấn khởi, gắn bó với tổ chức, đời sống của gia đình người có công với cách mạng, trong đó có cựu tù kháng chiến được nâng lên, không còn hộ nghèo có cựu tù kháng chiến.
* PV: Xin đồng chí cho biết phương hướng hoạt động của Ban liên lạc trong nhiệm kỳ mới?
* Đồng chí Nguyễn Minh Tâm: Qua thực tiễn 10 năm hoạt động với 2 nhiệm kỳ đại hội, nhiệm kỳ này Ban liên lạc xác định sẽ tập trung vào 4 công việc chính. Đó là, xây dựng, củng cố Ban liên lạc các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đại hội các cấp giao với tinh thần: Sống trong tù: “Trung kiên - Bất khuất”, sống ngoài đời: “Tình nghĩa - Thủy chung”, là chỗ dựa, là niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Vận động thành viên cựu tù kháng chiến phát huy truyền thống, phẩm chất cách mạng của cựu tù kháng chiến, đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua của địa phương, công tác xã hội - từ thiện, nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ nhau những trường hợp khó khăn về kinh tế, bệnh tật... để cùng nhau vượt qua và sống tốt những ngày còn lại.
Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng quyết tâm hoàn thành chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù, đày theo Nghị định 31/2013 của Chính phủ cơ bản xong trong năm 2020 với tinh thần “Không để sót một người đúng quy định không được hưởng; cương quyết loại trừ những trường hợp không đủ tiêu chuẩn được hưởng”.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tỉnh làm tốt công tác giáo dục truyền thống, tiếp tục hoàn thành tập II “Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong các nhà tù, trại giam của địch (giai đoạn 1930 - 1975)” và Kỷ yếu 10 năm thành lập Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến các cấp tỉnh Tiền Giang (2009 - 2019).
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THỦY HÀ(thực hiện)