Đoàn kết xây dựng quê hương

Ngày 12/6, gần 20 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Sơn Tây hân hoan chào đón Đại hội DTTS huyện lần thứ IV - năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng, là ngày hội của các dân tộc ở vùng cao Sơn Tây, nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương đổi mới, hội nhập và phát triển.

Xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Huyện Sơn Tây hiện có 9 xã, tất cả đều là xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có hơn 5.000 hộ đồng bào DTTS, với gần 20 nghìn người, chiếm khoảng 91% dân số toàn huyện. Những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn huyện Sơn Tây được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được cải thiện; giáo dục, y tế, văn hóa có bước phát triển; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.

Một góc khu dân cư Tà Dô, xã Sơn Tân (Sơn Tây), phục vụ tái định cư cho người dân vùng sạt lở.

Một góc khu dân cư Tà Dô, xã Sơn Tân (Sơn Tây), phục vụ tái định cư cho người dân vùng sạt lở.

Đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sơn Tây giảm còn khoảng 34% (theo chuẩn mới). Thu nhập bình quân hộ DTTS ước khoảng 20 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện chiếm 99,97%; hộ dân được sử dụng nước sạch chiếm 90%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 25%. Giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt hơn 1.207 tỷ đồng, trong đó công nghiệp - xây dựng 823 tỷ đồng; dịch vụ - thương mại 225 tỷ đồng; sản xuất nông nghiệp 131 tỷ đồng.

"Trong giai đoạn 2024 - 2029, huyện Sơn Tây tiếp tục phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, trong đó chú trọng công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt từ 8 - 10%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 20%, có 4 xã đạt chuẩn NTM, có 100% tuyến đường huyện được nhựa hóa. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Từ đó củng cố và phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây
BẠCH NGỌC THÊM

Về hạ tầng giao thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, như tuyến đường Sơn Tân - Sơn Mùa; cầu Sơn Mùa và các tuyến đường dân sinh... Về hạ tầng giáo dục, những năm qua, huyện Sơn Tây đã tập trung thực hiện các chương trình, đề án, đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường, lớp học. Toàn huyện có 7 trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp mầm non, tiểu học và THCS. Huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp ở bậc mầm non đạt 100%, bậc tiểu học đạt 99%, bậc THCS đạt 98%. Đến nay, huyện có 8/9 trạm y tế đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 6/9 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 9/9 xã có nhà văn hóa, 35/35 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Các hộ dân đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Liên (Sơn Tây) tích cực thực hiện mô hình trồng bưởi để phát triển kinh tế gia đình.

Các hộ dân đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Liên (Sơn Tây) tích cực thực hiện mô hình trồng bưởi để phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, toàn huyện có 35 chi, đảng bộ trực thuộc huyện ủy; 80 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; có 1.508 đảng viên, trong đó có 807 đảng viên là người DTTS (chiếm 53,5%). Các tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố và ngày càng khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; không còn tình trạng thôn "trắng" tổ chức đảng và đảng viên. Cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đầu tư phát triển toàn diện

Sơn Tây được UBND tỉnh đánh giá là huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Tây đã được quan tâm đầu tư 670 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm chương trình giảm nghèo bền vững (273 tỷ đồng), xây dựng nông thôn mới (hơn 56 tỷ đồng), phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (hơn 340 tỷ đồng). Từ nguồn vốn này, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; đào tạo nghề, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, hàng trăm tuyến đường được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp; hàng trăm công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng, đưa vào sử dụng.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây trong giờ sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây trong giờ sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, huyện còn quan tâm thực hiện chính sách cải thiện nhà ở cho hộ đồng bào DTTS. Theo đó, trong 5 năm qua, có khoảng 120 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà mới, từng bước vươn lên thoát nghèo. Huyện cũng đã quan tâm triển khai thực hiện chính sách phát triển giáo dục trong vùng đồng bào DTTS, nhất là đề án kiên cố hóa trường, lớp học, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, hỗ trợ cho học sinh người DTTS... từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, huyện Sơn Tây đã hỗ trợ hơn 34,5 nghìn thẻ BHYT cho đồng bào DTTS, với kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng các khu tái định cư như Tà Dô (Sơn Tân), Sơn Long, Sơn Bua... giúp người dân vùng sạt lở ổn định cuộc sống. Đồng bào DTTS ở huyện Sơn Tây ra sức giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Một số lễ hội dân gian, nghề truyền thống, trò diễn dân gian của dân tộc Ca Dong đang được khôi phục. Huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 30/3/2023 về bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Ca Dong huyện Sơn Tây đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202406/doan-ket-xay-dung-que-huong-0260aec/