Đoản khúc ân cần với Thành phố ân tình
Từ ngày 30/4/1975, lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới. Nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức hào hùng và khát vọng vươn lên đã từng ngày kiến tạo diện mạo văn minh và hiện đại cho đô thị lớn nhất phương Nam. Sài Gòn thuở xưa và TPHCM bây giờ, liên tục một dòng chảy văn hóa tiếp nhận mọi ước mơ, chan hòa mọi khác biệt để mỗi góc phố lưu giữ kỷ niệm, để mỗi công trình ghi dấu sáng tạo. Trong mắt đồng bào Việt Nam và bạn bè quốc tế, TPHCM luôn mang một câu chuyện trìu mến của một thành phố ân tình.
50 năm, thật khó thống kê bao nhiêu con người đã đến và bao nhiêu con người đã rời xa TPHCM, nhưng từng địa danh đô thị vẫn ôm ấp từng niềm tin cậy, vẫn bịn rịn từng nỗi nhớ thương. Tốc độ xây dựng theo chiều kích hiện đại hóa nhanh chóng khiến người dân không khỏi ngạc nhiên. Cho nên, những ai vài năm không quay lại TPHCM, sẽ không tránh khỏi sửng sốt và trầm trồ về những công trình phục vụ dân sinh. Không thể không trầm trồ trước dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thoát cảnh bùn lầy nước đọng. Không thể không trầm trồ trước hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Và càng không thể không trầm trồ trước tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên… Đó là những công trình tiêu biểu cho một đất nước Việt Nam hội nhập quốc tế.
Không chỉ nổi bật về phát triển kinh tế, TPHCM còn là một đô thị trân trọng từng kỷ niệm suốt hành trình hơn 300 năm, kể từ ngày Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh khai hoang mở cõi. Thiên nhiên Nam Bộ với nhiều loại sinh vật đã thành địa danh bây giờ, như: chợ Cây Thị, rạch Cây Cui, ấp Cây Trôm, khu Cây Gõ, gò Cây Mai… Những con người từng có công vun đắp đất đai cũng đã thành địa danh Bà Hom, Bà Điểm, Bà Lài, Bà Hạt, Bà Ký, Ông Tạ, Ông Lãnh, Ông Bổn… Chính truyền thống không quên ơn tiền nhân đã củng cố tinh thần tương thân tương ái của thế hệ cháu con. Không ai bị kỳ thị, không ai bị cô lập, không ai bị bỏ rơi, không ai bị ghẻ lạnh… dần dần đặc trưng cho nhịp sống ơn nghĩa của đô thị sầm uất.

Một góc trung tâm TPHCM qua nét vẽ Hồ Minh Quân.
Bởi vì TPHCM luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi số phận, đón nhận mọi cá tính, đón nhận mọi mảnh đời, nên hàng triệu con người đã tìm đến nơi đây để an cư lập nghiệp. Không có đô thị nào ở Việt Nam có sức chứa đa dạng và bất tận như TPHCM. Hầu như có thể nghe được giọng nói của tất cả vùng miền ở TPHCM. Giọng người rẻo cao Tây Bắc, giọng người xóm biển miền Trung, giọng người miệt vườn Cửu Long… đều tự tin cất lên, hòa đồng và thân ái, như những bản tình ca tràn đầy sức sống. Và trong cuộc quần tụ tại TPHCM, mỗi người tha phương đều mang theo một đặc sản cố hương của họ, để góp phần làm nên bức tranh rực rỡ màu sắc của thành phố. Nói không ngoa, ở TPHCM không thiếu một món ăn độc đáo nào của các tỉnh thành khác, từ bánh xèo, bánh căn, bánh lọc, bánh đa… đến bún cá, bún chả, bún ốc, bún ngan. Vì vậy, TPHCM có rất nhiều hội đồng hương, mà mỗi hội đồng hương đều chọn nơi này làm quê hương thứ hai.
Với nhiều sắc dân khác nhau, nên phẩm chất vượt trội của TPHCM là vẻ đẹp tương tác. Người Hoa, người Chăm, người Tày, người Thái… đều có mặt ở TPHCM. Người Ê Đê, người Ba Na, người Khơ Me, người Xơ Tiêng… đều dự phần vào nhịp điệu TPHCM. Bản sắc của mỗi dân tộc được nâng niu và được bảo toàn trong mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ, trong mỗi chung cư. Ở TPHCM, thật thú vị khi bất chợt lắng nghe một điệu khèn người Mường, một tiếng sáo người Dao, một câu hò người Mạ… giữa lô nhô cao ốc ngột ngạt đua chen.
Không phân biệt người gốc gác hay người nhập cư, TPHCM khuyến khích mỗi cá nhân cống hiến và sáng tạo. Ngọn gió trên kênh Tàu Hủ hay tiếng sóng trên sông Sài Gòn được chia đều cho tất cả, không tị hiềm, không hoang mang, không buồn tủi. Cho nên, có người chỉ một lần ghé qua TPHCM đã xem nơi đây như tri kỷ để thầm thì “ngày vội vàng lên bình minh thay đêm tối, nắng phai từ lâu chiều vẫn dài”, có người chỉ một ngày sống với TPHCM đã xem như tri âm để lưu luyến “có từ bao giờ hàng me xanh ngát, mà nay đứng đó cho anh làm thơ”.
TPHCM với sự năng động vốn có, luôn tiên phong hiện thực hóa nhiều ý tưởng mới mẻ. Từ Đường hoa Nguyễn Huệ của TPHCM, các tỉnh khác cũng triển khai đường hoa vào mỗi dịp Tết. Từ Đường sách TPHCM, các tỉnh khác cũng triển khai đường sách để nâng cao văn hóa đọc. Trên hành trình định vị một đại đô thị đẳng cấp quốc tế, chắc chắn nhiều dự án đột phá sẽ tiếp tục được TPHCM đầu tư một cách quy mô và bài bản. Tuy nhiên, phía dưới mỗi cao ốc TPHCM, điều đáng quý nhất là sự hào hiệp và sự cưu mang của cộng đồng. Trà đá miễn phí dọc các con đường, ATM gạo giai đoạn chật vật đại dịch và bao nhiêu hoạt động thiện nguyện khác ở TPHCM, thực sự là những dấu son không phai mờ trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Tình yêu dành cho TPHCM đâu chỉ dựa vào sự phồn vinh, mà chủ yếu bắt nguồn từ những trái tim mang nhịp đập nhân ái. Những công dân TPHCM dẫu sang hèn khác nhau, dẫu giàu nghèo khác nhau, đều biết sống cho người khác và biết sống vì người khác. Chính giá trị thầm lặng mà đẹp đẽ ấy làm nên một chân dung đô thị vừa lộng lẫy vừa giản dị, vừa kiêu hãnh vừa gần gũi.
Có lẽ không người Việt Nam nào không trân trọng và yêu mến TPHCM. Còn người nước ngoài thì sao? Không chỉ đến TPHCM để du lịch hay làm ăn, rất nhiều người Mỹ, người Pháp, người Anh… đã lựa chọn sinh sống lâu dài tại đây. Trong kỷ nguyên kết nối toàn cầu, không thể không thử hỏi, người nước ngoài nghĩ gì về TPHCM? Trong các đô thị nổi tiếng Châu Á, TPHCM có một đặc điểm khác hẳn Singapore hoặc Hồng Kông (Trung Quốc), đó là những hoạt động mua bán vỉa hè, tô đậm dấu ấn văn minh công cộng. Mỗi quán cóc, mỗi gánh hàng rong như một điểm nhấn khó quên trong đời sống người dân TPHCM. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, giáo sư Annette Kim từ Viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ và các cộng sự đã có một công trình nghiên cứu mang tên “Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TPHCM” bày tỏ góc nhìn thiện chí: “Vỉa hè đa chức năng, cũng giống như khái niệm sử dụng đất hỗn hợp, là một phần tạo nên một thành phố sôi động, bền vững và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng.
Vỉa hè ở TPHCM còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội. Cuộc sống vỉa hè là một trong những ấn tượng đậm nhất mà TPHCM để lại trong lòng du khách. Tôi đã khảo sát du khách quốc tế từ bốn nhóm ngôn ngữ khác nhau xem họ chia sẻ những gì về chuyến đi tới thành phố và 40% những trao đổi là về vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn, uống cà phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè. Đô thị Sài Gòn khiến nhiều du khách hồi tưởng về quá khứ và tiếc rằng cuộc sống vỉa hè đã biến mất khỏi quê hương họ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, kinh tế vỉa hè là một phần quan trọng của an sinh xã hội. Một số ước tính rằng, nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lượng thực phẩm cho thành phố”.
Cái hay, cái đẹp của TPHCM có lẽ không thể nào nói hết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, thật khách quan để thổ lộ thì một âu lo trong bối cảnh biến đổi khí hậu là mật độ cây xanh ở TPHCM vẫn còn rất thấp. Có lẽ, cần những giải pháp cụ thể hơn để gia tăng mảng xanh đô thị, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho TPHCM phát triển kinh tế xanh.