Đoàn làm phim bôi trát lên giếng cổ Đường Lâm: Sự chuyên nghiệp ở đâu?
Mới đây, một đoàn làm phim hài Tết tiến hành bôi trát, tô vẽ vào giếng cổ làng Đường Lâm làm bối cảnh phim khiến nhiều người bức xúc.
Cụ thể, đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” đã tự ý vẽ lên thành giếng đình thôn Mông Phụ bằng vật liệu vôi màu để làm bối cảnh. Người dân trong làng đã rất bức xúc và không đồng ý cho đoàn làm phim này quay tiếp. Theo họ, giếng cổ Đường Lâm không chỉ là di tích cổ, mà còn có ý nghĩa về giá trị văn hóa cũng như giá trị tâm linh mà người dân nơi đây cố gắng gìn giữ bao đời nay. Vì vậy, dù đoàn phim xin bà con cho họ quay nốt nhưng không nhận được sự đồng ý.
Ông Trương Đức Thắng, đại diện đoàn phim "Chuyện làng Bồm" cũng thừa nhận khi về làm việc tại làng cổ Đường Lâm, đoàn phim mới chỉ tiến hành báo cáo chính quyền địa phương bằng miệng và chưa thực hiện báo cáo Ban quản lý di tích làng cổ.
Để thực hiện các cảnh quay, đoàn phim đã tự ý vẽ lên thành giếng đình thôn Mông Phụ bằng vật liệu vôi màu để làm bối cảnh. Việc tác động lên giếng cổ chưa báo cáo và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Đại diện của đoàn phim thừa nhận hành động trên là "thiếu sót và sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm". Ông Thắng cũng cam kết hoàn trả lại nguyên vẹn hiện trạng ban đầu của giếng cổ.
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, cái sai của đoàn làm phim là do nhận thức, họ muốn tạo bối cảnh chiếc giếng đá ong trông như mới để hợp với bối cảnh đoàn làm phim. Trước sự việc trên, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã yêu cầu dừng, đình chỉ, không tiếp tục quay phim nữa. Ngoài ra đoàn phim phải khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của chiếc giếng.
Hiện tại, đoàn làm phim đã khắc phục hậu quả sau màn “hóa trang” cho giếng cổ nhưng phải mất một thời gian nữa, giếng mới có thể quay lại hiện trạng ban đầu, đặc biệt là nét cổ kính, rêu phong vốn có.
Với cây đa, giếng nước, sân đình, chùa miếu, đường làng quanh co, ngõ nhỏ, những ngôi nhà gỗ cổ,... làng cổ Đường Lâm hiện lên giữa thời kỳ hiện đại hóa của đất nước như một cổ trấn đầy hoài niệm và yên bình.
Nét đặc trưng của giếng cổ Đường Lâm là miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi. Ngoài giá trị sử dụng, giếng cổ còn mang ý nghĩa tâm linh. Hai giếng bên đình Mông Phụ tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng. Về mặt kiến trúc, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng.
Việc đoàn làm phim tự ý bôi vẽ lên thành giếng để quay phim mà chưa xin phép thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong làm việc và thiếu tôn trọng bà con cũng như di tích cổ này. Bởi, giếng cổ làng Đường Lâm không chỉ là biểu tượng của văn hóa, tâm linh mà còn tài sản vô giá của người dân làng Đường Lâm.
Việc các đoàn phim đến đây quay phim sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của làng cổ. Tuy nhiên, mọi sự can thiệp về diện mạo, quang cảnh,... của đường cổ phải có sự đồng ý của chính quyền, Ban quản lý Di tích và bà con làng cổ để tránh gây tranh cãi, bức xức không đáng có, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, sự uy tín của đoàn làm phim, bộ phim. Một bộ phim tai tiếng từ quá trình sản xuất sẽ khó lòng được khán giả đón nhận.