Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng: Nâng cao hiệu quả thiết kế nhà tránh lũ và ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày 24/11, Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng đã phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức triển khai Hội thảo chuyên đề 'Tuổi trẻ Bộ Xây dựng với việc nâng cao hiệu quả trong thiết kế điển hình hóa nhà tránh lũ và ứng phó biến đổi khí hậu'.
Trong những năm gần đây, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Nhiệt độ Trái đất tăng lên, nước biển dâng cao và tác động đến các hình thái thời tiết trên toàn cầu. Thiên tai, hạn hán, bão lũ… diễn ra khốc liệt ở rất nhiều quốc gia, khu vực.
Tại Việt Nam, thời tiết cũng diễn biến ngày càng tiêu cực hơn. Trong 2 tháng qua, Miền Trung nước ta liên tục phải hứng chịu những cơn bão rất khốc liệt đi kèm với lũ lụt, sạt lở gây thương vong nặng nề. Trong bối cảnh này, thanh niên Bộ Xây dựng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Mặt khác, tuổi trẻ Bộ Xây dựng cũng đang tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học để tìm ra những giải pháp có tính ứng dụng cao để giúp đỡ người dân ứng phó với bão lũ và biến đổi khí hậu. Hội thảo ngày hôm nay do Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức nhằm tư vấn, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho Đoàn viên về tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam và các giải pháp ứng phó, tập trung vào các mô hình nhà chống bão, lũ.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Xây dựng Vũ Quang Tiến mong muốn, đoàn viên thanh niên Bộ Xây dựng và các chuyên gia tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm cải thiện mô hình nhà chống lũ tốt hơn. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Xây dựng Vũ Quang Tiến đề nghị Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng cần làm việc trực tiếp với các Đoàn tỉnh để triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình nhà chống lũ ở tất cả các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung thường xuyên phải gồng mình chống chọi với bão, lũ.
Trong khi đó, Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương Bùi Hoàng Tùng đánh giá Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng đang thực hiện rất tốt phong tào sáng tạo trẻ và mô hình nhà chống lũ chính là minh chứng rõ ràng nhất. Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đặc biệt nhấn mạnh mô hình nhà chống lũ là cách làm tình nguyện bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài so với cách tặng tiền mặt.
Tiếp nối chương trình, Trưởng Phòng thẩm định Dự án đầu tư phát triển đô thị, Cục phát triển đô thị Nguyễn Dư Minh đã trình bày về tình hình biến đổi khí hậu và phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Báo cáo cho biết, Việt Nam là một quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Tính riêng năm 2020, nước ta phải hứng chịu 10 cơn bão, 15 trận lũ quét, sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập, lụt; 79 trận động đất. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra là 335 người chết và mất tích, 2.982 nhà bị sập, 266.015 nhà bị hư hại, tốc mái, 397.707 nhà bị ngập và thiệt hại kinh tế lên đến hơn 21.000 tỷ đồng.
Nhận thức được nguy hại do biến đổi khí hậu mang lại, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã triển khai chương trình phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu từ năm 2013 và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, tiêu biểu là giải pháp về mô hình nhà ở chống bão, lũ.
Làm rõ hơn về vấn đề này, ThS. KTS Nguyễn Quốc Hoàng - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu tiêu chuẩn và điển hình hóa xây dựng (Viện Kiến trúc quốc gia) cho biết, mô hình nhà ở chống bão, lũ sẽ có những đặc điểm riêng với từng địa phương. Nhưng về cơ bản, nhà ở chống bão, lũ cần tuân thủ một số nguyên tắc về kiến trúc như chọn vị trí tốt, lợi dụng địa hình, thiết kết hình khối đơn giản, có khu vực kiên cố làm hầm trú ẩn, có cửa sổ mái để thoát hiểm… Kết cấu cần liên kết chặt chẽ, liên tục từ kết cấu móng cho đến mái theo 2 phương ngang và thẳng đứng.
Đối với vật liệu, người dân nên sử dụng vật liệu chống lũ, chống gió, chống ẩm, chống ăn mòn, mối mọt, áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hiện nay, các mẫu nhà chống bão, lũ phổ biến là nhà chòi chống lũ kết hợp phao nổi, nhà phao nổi, nhà có gác xép lửng, không gian cứu trợ hay nhà sàn chống lũ, nhà tôn nền cao.
Cũng trong Hội thảo, ThS. KTS Trần Xuân Hùng đến từ Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam đã chia sẻ về mô hình nhà ở chống biến đổi khí hậu với nhiều nét tương đồng so với mô hình nhà ở chống bão, lũ.
Trong khi đó, chia sẻ về vai trò của công tác quy hoạch xây dựng đối với phòng chống bão, lũ, ThS. KTS Hoàng Thị Hương Giang của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia khẳng định, điều đầu tiên cần thực hiện là quy hoạch tổng thể với cơ chế cấp vùng. Sau đó là công tác lựa chọn không gian phát triển đô thị chọn đất xây dựng; chọn hình thái, cấu trúc, mô hình phát triển đô thị; chọn cao độ xây dựng; thiết kế hệ thống thoát nước đô thị…
Về vấn đề kinh phí, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản có đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/08/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung, mở rộng đối tượng hỗ trợ, mở rộng phạm vi hỗ trợ ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và nâng mức tiền hỗ trợ.
Mặt khác, nhà báo Lương Hùng - đồng sáng lập quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững có lưu ý nhiệm vụ nghiên cữu kỹ thực tiễn vì mỗi địa phương sẽ có những đặc điểm riêng biệt, không thể rập khuôn việc xây dựng mô hình nhà ở chống bão, lũ.
Kết luận Hội thảo, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng Bùi Chí Hiếu đã tổng kết 3 ý kiến đóng góp chính trong Hội thảo. Thứ nhất là điển hình hóa của mô hình nhà chống bão, lũ ở từng địa phương. Thứ hai là đề xuất thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng cho cả một tiểu vùng. Cuối cùng là vấn đề quỹ hỗ trợ phòng chống bão, lũ.