Đoạn video quay cảnh tập trận của Na Uy năm 2013, không phải vụ nổ soái hạm Moskva của Nga

Người dùng mạng xã hội chia sẻ một đoạn video kèm chú thích cho rằng hình ảnh ghi lại trong đó là vụ nổ soái hạm Moskva của Nga ngày 14/4 vừa qua. Tuy nhiên, đây là thông tin không chính xác. Đoạn clip là một phiên bản được chỉnh sửa và cắt ngắn của một video lưu hành trên mạng xã hội ít nhất từ năm 2013, quay cảnh lực lượng vũ trang Na Uy sử dụng một khinh hạm đã ngừng hoạt động để diễn tập đánh trúng mục tiêu.

Ảnh chụp màn hình một bài đăng trên Twitter đưa tin không chính xác về đoạn video.

Ảnh chụp màn hình một bài đăng trên Twitter đưa tin không chính xác về đoạn video.

Thông tin lan truyền

Một tài khoản Twitter ngày 15/4 đăng tải đoạn video cho thấy một con tàu nổ tung giữa biển, kèm theo chú thích bằng tiếng Trung giản thể có nội dung: “Khoảnh khắc soái hạm Moskva bị bắn trúng”. Đoạn clip đã thu hút hơn 119 nghìn lượt xem.

Đoạn video này cũng đã được chia sẻ trên một số nền tảng mạng xã hội như Twitter và Weibo với chú thích tương tự. Đặc biệt, nó đã thu hút 16 triệu lượt xem trên TikTok.

Kiểm chứng

Kết quả tìm kiếm ngược trên Google cho thấy đoạn video này được đăng tải trên YouTube ngày 6/6/2013 bởi hãng thông tấn South West News Service của Anh, với tiêu đề “Cuộc tấn công tên lửa thử nghiệm của Hải quân Na Uy”.

Trong phần mô tả về video có đoạn nội dung: “Các lực lượng vũ trang Na Uy đưa một tàu khu trục nhỏ đã ngừng hoạt động ra biển để diễn tập đánh trúng mục tiêu. Sau đó, họ bắn một ‘tên lửa tấn công liên hợp’ (JSM) mới vào con tàu với độ chính xác cao, tạo ra một vụ nổ lớn và gây thiệt hại đáng kể cho tàu”.

Clip lan truyền trên mạng xã hội là một phần của video trên, nhưng đã bị chỉnh sửa lật ngược. Góc tiếp cận của tên lửa, hình dạng của vụ nổ ban đầu và đám khói, và các mảnh vỡ bay ra từ con tàu đều giống với video gốc, nhưng bị phản chiếu.

Cuộc tập trận của Hải quân Na Uy ở thời điểm đó cũng đã được nhiều hãng thông tấn đưa tin rộng rãi kèm theo video tương tự, trong đó có CNN và Yahoo News.

 Ảnh chụp màn hình so sánh đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội (bên trái) và video đăng tải trên YouTube năm 2013 (bên phải).

Ảnh chụp màn hình so sánh đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội (bên trái) và video đăng tải trên YouTube năm 2013 (bên phải).

Khẳng định

Đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh cuộc tập trận của Hải quân Na Uy năm 2013, chứ không phải vụ nổ soái hạm Moskva của Nga ngày 14/4 vừa qua.

HOÀI VĂN (Theo AFP)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/factcheck/doan-video-quay-canh-tap-tran-cua-na-uy-nam-2013-khong-phai-vu-no-soai-ham-moskva-cua-nga-694745/