Đoàn viên thanh niên địa bàn dân cư hiến kế cho tổ chức Đoàn
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của thanh niên trên địa bàn dân cư để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiều đại biểu cho rằng cần tạo sinh kế, làm giàu chính đáng trên quê hương và quan tâm đời sống văn hóa tinh thần sẽ thu hút người trẻ đến với tổ chức Đoàn.
Ngày 1/4, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của thanh niên trên địa bàn dân cư để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương chủ trì.
Giúp thanh niên làm giàu trên quê hương
Anh Nguyễn Tuấn Vũ (đại diện thanh niên tôn giáo, Tuyên Quang) cho rằng, đoàn kết tập hợp thanh niên tôn giáo tại cơ sở rất cần thiết để phát triển đội ngũ đoàn viên và tham gia xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh.
Các cơ sở Đoàn đông thanh niên tôn giáo hay thanh niên dân tộc thiểu số cần quan tâm, tạo điều kiện đời sống xã hội, đời sống tôn giáo và những nét văn hóa riêng. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tuyên dương thanh niên tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu; hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế...
Chị Hồ Thị Be (đại diện cho thanh niên dân tộc thiểu số, Quảng Bình) bày tỏ, hiện đoàn viên ở các khu dân cư đi làm xa nên khó khăn trong việc lựa chọn đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng kết nạp. Bên cạnh đó, vẫn có những nơi còn hủ tục lạc hậu và thanh niên còn hạn chế trình độ, nhận thức.
Chị Be cho rằng, Đoàn cần có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; xây dựng các dự án nâng cao nhận thức cho phụ huynh dân tộc thiểu số để trẻ em được đến trường; tập huấn các kỹ năng mềm, sức khỏe sinh sản cho thanh niên dân tộc thiểu số; giới thiệu việc làm cho thanh niên.
Anh Hoàng Văn Sơn (Bí thư Huyện Đoàn Đà Bắc, Hòa Bình) cùng đối diện với thực tế ít người trẻ ở lại địa phương, cho rằng phải tạo việc làm, giúp họ phát triển kinh tế. “Nếu thanh niên được hỗ trợ phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương họ sẽ yên tâm ở lại địa phương. Việc thu hút thanh niên đến với các hoạt động của Đoàn cũng sẽ hiệu quả hơn”, anh Sơn nói.
Tạo sân chơi, môi trường cho thanh niên khuyết tật
Hội nghị đã có nhiều ý kiến, đề xuất hướng về thanh niên khuyết tật. Anh Trịnh Công Thanh (Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội) đề xuất trong Báo cáo chính trị cần ghi rõ là "thanh niên khuyết tật" thay vì gọi chung "thanh niên yếu thế" để các cấp bộ Đoàn quan tâm, chú trọng hơn các hoạt động đồng hành, hỗ trợ đối tượng này; cũng như linh hoạt lồng ghép vào các chương trình hành động.
Chị Nguyễn Thị Nga (Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật Hải Dương) cùng quan điểm, cho rằng tổ chức Đoàn cần có thêm các hoạt động giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận các chương trình học nghề, vốn khởi nghiệp lập nghiệp, việc làm.
Hội nghị còn có các ý kiến mong muốn tổ chức Đoàn làm rõ vai trò trong chuyển đổi số, nhất là trong quá trình xây dựng các đô thị thông minh, đô thị số; cần cụ thể hóa quy định, chính sách tình nguyện để đảm bảo quyền lợi cho tình nguyện viên; có các hoạt động quan tâm trang bị kỹ năng trên môi trường internet, mạng xã hội đối với học sinh cấp 2, cấp 3 - những người dễ bị chi phối, tác động; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số làm ăn xa trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương ghi nhận các ý kiến, đề xuất thiết thực dành cho thanh niên khuyết tật và các đối tượng thanh niên ở địa bàn dân cư. Các ý kiến tham góp của đại biểu sẽ được tiểu ban nội dung tiếp thu, có sự điều chỉnh phù hợp trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Anh Cương cho biết thêm, T.Ư Đoàn đã phối hợp và cho ra mắt ứng dụng i-HR nhằm giới thiệu tạo việc làm cho thanh niên, các cơ sở Đoàn, đoàn viên thanh niên có thể truy cập để tìm kiếm cơ hội việc làm.