Đoàn viên, thanh niên phải tiên phong trong chuyển đổi số
Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tại hội nghị đối thoại với thanh niên có chủ đề 'Thanh niên Gia Lai tiên phong chuyển đổi số' diễn ra vào chiều 26-3 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).
Đồng chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cùng 159 cán bộ Đoàn chủ chốt cấp huyện, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh.
Giải đáp thấu đáo những kiến nghị của đoàn viên, thanh niên
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho biết: “Thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự chỉ đạo của Tỉnh Đoàn, công tác Đoàn và phong trào thanh niên tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển và trưởng thành, có nhiều điểm mới, sáng tạo, đột phá, tạo được những dấu ấn tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử; khẳng định vai trò là đội dự bị tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, hơn ai hết, thanh niên cả nước, trong đó có thanh niên Gia Lai cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân về ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp để làm giàu chính đáng trên quê hương; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đã đề ra”.
Tại hội nghị, đoàn viên, thanh niên đã có nhiều ý kiến liên quan đến công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên không gian mạng. Anh Phạm Ngọc Sơn-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Drang (huyện Chư Prông) đặt câu hỏi: “Tỉnh Gia Lai đã có những chính sách, giải pháp nào để khuyến khích các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp sáng tạo đạt hiệu quả cao?”.
Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Nam Hải cho biết: “Để hỗ trợ và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, các cấp, các ngành của tỉnh đã chủ động phối hợp thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn, tọa đàm, tập huấn... nhằm trang bị các kiến thức về khởi nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, phát triển ý tưởng kinh doanh, mô hình kinh tế”.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thông tin thêm: “Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền về khởi nghiệp cho thanh niên; thực hiện tốt liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch; tăng cường phối hợp, huy động các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”.
Trả lời câu hỏi của chị Nguyễn Thị Nhanh-Bí thư Chi Đoàn 2 (xã Đông, huyện Kbang) về việc tạo điều kiện cho các bạn trẻ có chuyên môn công nghệ thông tin, có khả năng làm việc trong môi trường chuyển đổi số khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để đăng tải trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Sở cũng đã thành lập nhóm Zalo với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương để phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, thông tin dự báo về thị trường lao động để các địa phương kịp thời kết nối với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động sàn giao dịch việc làm lưu động.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hiện nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến việc các đối tượng xấu lợi dụng sự bùng nổ của công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực truyến chiếm đoạt tài sản có giá trị qua mạng xã hội, chị Lê Nguyễn Hồng Vân-Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh-nêu thắc mắc: “Các sở, ban, ngành trong tỉnh đã có những giải pháp gì để ngăn chặn các vụ lừa đảo trực truyến chiếm đoạt tài sản có giá trị qua mạng xã hội, trong đó có nhiều người bị hại là thanh niên?”.
Về vấn đề này, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh-thông tin: “Hiện nay, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm. Để hạn chế tối đa việc bị đánh cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh đề nghị người dân chủ động cập nhật, hiểu rõ các thủ đoạn của tội phạm đã được thông tin nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Người dân khi bị các đối tượng lừa đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản cần kịp thời đến cơ quan Công an gần nhất trình báo sự việc để được tiếp nhận, xử lý và triển khai nhanh chóng các biện pháp kiểm tra, truy vết tội phạm, áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Với khả năng tiếp cận nhanh công nghệ thông tin, đoàn viên, thanh niên phải nâng cao cảnh giác, xung kích đi đầu trong công tác tuyên truyền để kịp thời ngăn chặn, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng”.
Tạo điều kiện cho thanh niên trong chuyển đổi số
Cũng tại hội nghị, các đoàn viên, thanh niên đã nêu ý kiến, kiến nghị tập trung vào nhóm vấn đề: những định hướng, chính sách về ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; giải pháp khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo trên không gian mạng đạt hiệu quả cao; chính sách đối với tổ công nghệ số cộng đồng; cơ chế, chính sách, giải pháp để bảo vệ người dùng trên không gian mạng; giải pháp đẩy mạnh việc thanh toán điện tử…
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên đã được Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trực tiếp giải đáp thỏa đáng ngay tại hội nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã tặng hoa và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Thường trực Tỉnh Đoàn và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024). Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 8 công dân trẻ tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai năm 2023.
Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức Đoàn đã chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả về chuyển đổi số trong thời gian qua như: mô hình “Tổ dân phố điện tử” ở TP. Pleiku; mô hình số hóa dữ liệu di tích lịch sử-văn hóa, “địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện Đak Pơ…
Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-chia sẻ: “Hội nghị đã tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về công tác chuyển đổi số trong thời gian qua. Sau hội nghị đối thoại, Thành Đoàn sẽ thông tin về những cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số đã được lãnh đạo các sở, ngành cung cấp đến đoàn viên, thanh niên tại địa phương”.
Phát biểu bế mạc hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tuổi trẻ tỉnh nhà đã đạt được trong công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, mô hình tổ dân phố điện tử, khu chợ không dùng tiền mặt, số hóa dữ liệu di tích lịch sử… mà các tổ chức Đoàn triển khai trong thời gian qua rất thiết thực.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Hội nghị đối thoại với thanh niên là diễn đàn ý nghĩa để lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số. Tại hội nghị đối thoại, đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn phát biểu, trao đổi làm rõ thêm các vấn đề và có những đề xuất, kiến nghị nhằm hỗ trợ thanh niên trong chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, các sở, ban, ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của các bạn trẻ.
Đoàn viên, thanh niên cần nỗ lực học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đoàn viên, thanh niên phải là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số. Tổ chức Đoàn cần chủ động tham mưu, góp ý cho lãnh đạo đơn vị đưa ra các giải pháp giúp thúc đẩy công tác chuyển đổi số.
Mong muốn các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà sẽ tiếp tục phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đóng góp không ngừng cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà, góp phần xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển nhanh, bền vững”.