Đoàn viên tự lực, tự cường phát triển mô hình kinh tế

Với ý chí tự lực, tự cường, đoàn viên dân tộc thiểu số, đoàn viên sống vùng ven biển của thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã không ngừng phấn đấu vươn lên qua tư duy dám nghĩ, dám làm.

Theo đồng chí Lê Quang Nhật - Bí thư Thị đoàn, Vĩnh Châu là thị xã vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng, với đặc thù tỷ lệ dân tộc Khmer, dân tộc Hoa chiếm trên 65% dân số. Những năm trước, phần lớn thanh niên trong độ tuổi lao động rời quê hương đi làm ăn xa, chỉ còn lại số ít thanh niên đã lập gia đình ở lại lập nghiệp; trình độ của thanh niên nông thôn vùng ven biển còn thấp, trình độ tay nghề chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Bên cạnh đó, khát vọng lập nghiệp của thanh niên gặp khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật đã khiến nhiều người trẻ nản lòng và không mấy mặn mà với tổ chức đoàn, hội. Thị đoàn Vĩnh Châu xác định phải đồng hành với thanh niên, nhất là đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của thanh niên, tìm giải pháp giúp thanh niên xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên cơ sở những tiềm năng sẵn có của địa phương là hướng đi hiệu quả nhất.

Đoàn viên Phạm Quang Nhị, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chia sẻ về quá trình học nghề, từ đó giúp mình có công việc ổn định. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Để thực hiện tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc, Thị đoàn hỗ trợ thanh niên học nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Thị đoàn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ 251 thanh niên học nghề; phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn cho 271 hộ thanh niên dân tộc, tôn giáo với số tiền trên 12 tỷ đồng; thành lập 24 mô hình thanh niên sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của thanh niên và hỗ trợ cho công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên nói chung và thanh niên dân tộc nói riêng.

Điển hình như trường hợp của đoàn viên Phạm Quang Nhị, ở xã Lai Hòa, sau 3 tháng học nghề quấn motor đã về mở làm tại nhà, nay có thu nhập ổn định. Đoàn viên Quang Nhị cho biết ở đây là vùng ven biển nên có rất nhiều hộ nuôi tôm dùng máy bơm nước, trước đây motor máy bơm có vấn đề họ phải ra tận trung tâm xã mới có chỗ làm, giờ chỉ cần “alo” mình đến nhà lấy sửa và giao tận nơi khi hoàn thành. “Hiện tại số lượng motor nhận làm càng nhiều nên có cha cùng làm, giá quấn từ 700.000 - 800.000 đồng/motor, trung bình mỗi ngày quấn được 2 cái, thu nhập cũng khá ổn định” - đoàn viên Phạm Quang Nhị chia sẻ.

Còn với Nguyễn Hữu Phước, ở xã Lai Hòa, với ý chí tự lực, đoàn viên này đã tìm tòi, học hỏi, Phước đang phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen. Phước cho biết, chi phí mô hình không nhiều, chỉ cần mua 1kg trứng ốc khoảng 800.000 đồng và cải tạo ao theo môi trường nước ngọt. Sau hơn 4 tháng nuôi, ao ốc nhà Phước bắt đầu đẻ trứng và bán được nhiều lần. Phước chia sẻ: “Trứng ốc dao động từ 700.000 - 800.000 đồng/kg, ốc thịt khoảng 60.000 đồng/kg, hiện tại em chỉ bán trứng và tiếp tục nhân giống để phát triển quy mô lớn hơn. Qua kinh nghiệm thực tế em thấy cách nuôi khá dễ, nếu đoàn viên khác có nhu cầu nuôi em sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và thu mua trứng ốc để các bạn có đầu ra ổn định”.

Nói về hiệu quả và hướng tập hợp đoàn viên, đồng chí Nguyễn Thị Thà - Phó Bí thư Xã đoàn Lai Hòa cho biết: “Đối với mô hình quấn motor đã có thêm một số đoàn viên tham gia, lấy điểm nhà Phạm Quang Nhị làm nơi nhận hàng, các đoàn viên khác cùng đến làm để chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, Xã đoàn cũng có kế hoạch nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen, dự kiến thành lập tổ nuôi ở ấp Năm Căn với 5 thành viên bằng hình thức góp vốn chung, bạn Phước sẽ giúp đỡ về kỹ thuật lẫn đầu ra”.

Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Thị đoàn Vĩnh Châu kết nạp 3.156 thanh niên dân tộc thiểu số vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nâng tổng số lên 6.812 đoàn viên, hội viên; hỗ trợ 185 thanh niên thoát nghèo bền vững.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thi-xa-vinh-chau/doan-vien-tu-luc-tu-cuong-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-59367.html