Doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở TP.HCM được đi chợ hộ

Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang thực hiện '3 tại chỗ' sẽ được ban quản lý hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm.

Ngày 25/8, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết các nhà máy thuộc khu công nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” sẽ được hỗ trợ mua hàng thiết yếu 2 lần một tuần.

Theo đó, danh sách các mặt hàng như: Gạo, thịt cá, rau củ... được Ban quản lý thông tin đến các doanh nghiệp nhà máy. Thống kê trong 2 ngày 23 và 24/8 tổng số doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất “3 tại chỗ” tại các khu chế xuất, khu công nghiệp là 90 doanh nghiệp với tổng số tiền mua hàng khoảng 250 triệu đồng.

Thời gian để các doanh nghiệp đặt hàng là trước 10h30 mỗi sáng thứ 3 và thứ 7 về văn phòng Hepza, các đơn vị cung ứng sẽ chuẩn bị hàng hóa và chuyển đến doanh nghiệp vào ngày thứ 4 và chủ nhật hàng tuần.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà cung ứng ban đầu (trong danh mục của Sở Công Thương cung cấp) không thể tiến hành giao hàng trong ngày đầu tiên do sự cố về giấy đi đường theo quy định mới.

Do đó, Sở Công Thương đã kết nối để hệ thống siêu thị phụ trách việc cung ứng hàng cho các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhưng tình hình đi lại khó khăn, nhân sự của các hệ thống cung ứng hàng hóa cũng khó đáp ứng nhu cầu của tất cả doanh nghiệp, do đó việc đưa hàng đến trực tiếp từng doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại.

Tương tự, bà Lê Thị Bích Loan, Phó trưởng ban quản lý khu công nghệ cao cũng cho biết đơn vị đang phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các hệ thống siêu thị để "đi chợ hộ" giúp các doanh nghiệp "3 tại chỗ" thuộc khu nhưng đang gặp một số khó khăn về khâu giao hàng.

 Doanh nghiệp làm việc "3 tại chỗ" tại các khu chế xuất, khu công nghiệp được hỗ trợ mua lương thực thực phẩm. Ảnh: Thạch Thảo.

Doanh nghiệp làm việc "3 tại chỗ" tại các khu chế xuất, khu công nghiệp được hỗ trợ mua lương thực thực phẩm. Ảnh: Thạch Thảo.

Bà cho biết các doanh nghiệp lớn đã có đầu mối cung ứng dịch vụ riêng, còn các doanh nghiệp nhỏ tự tổ chức nấu ăn với số lượng đặt hàng ít nên Ban quản lý phải làm việc trực tiếp với các hệ thống siêu thị ở khu vực.

"Tuy nhiên, lực lượng của các đơn vị đang tập trung hỗ trợ người dân nên không còn lực lượng hỗ trợ 'đi chợ hộ' cho các doanh nghiệp. Hơn nữa vấn đề giấy đi đường qua các chốt cũng rất khó khăn", bà nói.

Ngày 24/8, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng tiền ăn cho đoàn viên, lao động khi đang làm việc tại các doanh nghiệp "3 tại chỗ" đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở sẽ thống nhất với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn, chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp; đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động.

Hiện, trong 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao hiện có gần 700 nhà máy, doanh nghiệp áp dụng mô hình "3 tại chỗ", hoặc "một cung đường - 2 điểm đến". Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong khâu vận chuyển của xe vận tải hàng hóa, xe đưa đón công nhân và giấy phép đi đường của nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên cung ứng lương thực của doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-3-tai-cho-o-tphcm-duoc-di-cho-ho-post1254940.html