Doanh nghiệp bán lẻ đối diện nhiều áp lực

Lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bán lẻ được kỳ vọng sẽ gấp đôi mức nền thấp của năm 2023. Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, sự phục hồi của ngành bán lẻ còn đối mặt nhiều áp lực.

Samsung chiếm thị phần khá lớn trong ngành bán lẻ tại Việt Nam Ảnh: Đức Thanh

Samsung chiếm thị phần khá lớn trong ngành bán lẻ tại Việt Nam Ảnh: Đức Thanh

Còn nhiều áp lực

Tuần qua, dòng smartphone Galaxy S24 của Samsung chính thức ra mắt, sớm hơn một tháng so với các thế hệ tiền nhiệm. Động thái này tạo thêm hiệu ứng tích cực cho bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Còn đối với hoạt động thương mại, quyết định trình làng ngay đầu năm của hãng điện thoại lớn này lại là bài kiểm tra sớm đối với sức cầu tiêu dùng nội địa.

Năm 2023 là một năm chật vật của ngành bán lẻ, đặc biệt ở nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu. Cuộc chiến hạ giá, giải phóng hàng tồn khốc liệt nhất đã xảy ra vào quý II/2023 giữa các nhà bán lẻ điện thoại và điện máy.

Nguyên nhân bởi iPhone 14 bàn giao muộn một quý, khiến nhiều người tiêu dùng hủy đơn đặt hàng, trong khi Apple lại ra mắt mẫu sản phẩm mới sau đó nửa năm (cuối quý III/2023).

Trong một báo cáo mới đây, chuyên gia phân tích từ SSI Research cho rằng, hoạt động giảm hàng tồn kho trên là một trong những lý do khiến hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ thu hẹp biên lợi nhuận.

Năm 2024, doanh nghiệp bán lẻ trên sàn sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng gấp đôi so với năm 2023, vượt trội so với mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận bình quân 16,8% của doanh nghiệp niêm yết.

Không chỉ chịu áp lực cạnh tranh, cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng này trong năm 2023 bị ảnh hưởng lớn bởi các công ty tài chính kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, cùng tỷ lệ vỡ nợ cao do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Việc điều tra thu hồi nợ chủ yếu diễn ra trong nửa đầu năm 2023 và giảm dần từ nửa cuối năm 2023.

Thời gian tới đây, cầu tiêu dùng nội địa còn nhiều áp lực. Theo các con số do Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đã “nhảy vọt” trong 2 tháng cuối năm (tăng đến 800.000 tỷ đồng), trong bối cảnh lãi suất huy động hạ xuống rất thấp. Điều này cũng đặt ra dấu hỏi về sự thận trọng trong lựa chọn tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng của các thành phần trong nền kinh tế.

Dự báo về tiêu dùng hàng không thiết yếu, Chứng khoán SSI cho rằng, sự phục hồi sẽ khá chậm, dù một số yếu tố vĩ mô được kỳ vọng “bớt khó” hơn như lãi suất thấp hay xuất khẩu hồi phục. Các công ty tài chính tiêu dùng có thể rất thận trọng khi cấp tín dụng mới trong bối cảnh xuất khẩu của các ngành thâm dụng lao động phục hồi chậm. Tuy vậy, điểm tích cực là cuộc chiến về giá đã hạ nhiệt. Điều này mở ra cơ hội hồi phục biên lợi nhuận, dù không trở lại được mức năm 2022, do doanh cần tiếp tục duy trì chiến lược giá cạnh tranh.

Trong khi đó, đối với các chuỗi sản phẩm thiết yếu như Bách hóa Xanh của Thế giới Di động, chuỗi dược phẩm Long Châu của FPT Retail, sự phục hồi được kỳ vọng khả quan hơn.

Không khó tăng trưởng trên mức nền thấp

Trong năm 2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ trên sàn giảm rất sâu. FPT Retail lỗ ròng kỷ lục 215 tỷ đồng trong quý II/2023. Trong khi đó, Thế giới Di động lãi ròng 78 tỷ đồng, nhưng so với cùng kỳ vẫn giảm gần 98%. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 của Digiworld giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ.

Do kết quả kinh doanh sụt giảm, định giá cổ phiếu của Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld đều vượt mức lịch sử, khi hệ số so sánh giữa giá thị trường và thu nhập một cổ phiếu (P/E) tăng vọt.

Dù vậy, mức nền thấp của năm 2023 lại chính là lý do khiến ngành bán lẻ dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm nay. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, năm 2024, doanh nghiệp bán lẻ trên sàn sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng gấp đôi so với năm 2023, vượt trội so với mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận bình quân 16,8% của doanh nghiệp niêm yết.

Chứng khoán SSI cũng dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ tăng 118% trong năm 2024.

Tuy vậy, bức tranh tăng trưởng của ngành bán lẻ sẽ không đồng đều giữa các doanh nghiệp, nhất là khi chuyển đổi số đã và đang góp phần thay đổi cục diện của ngành. Trong năm 2024, một trong các giải pháp được Thế giới Di động đưa ra là sử dụng dữ liệu từ ứng dụng khách hàng hội viên để đưa ra các chương trình chiết khấu bán kèm nhằm tăng quy mô giỏ hàng của khách hàng hiện tại.

Việc lấn sân vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông qua sở hữu mạng di động ảo (MVNO) cũng là bước đi đáng chú ý. Mới đây, FPT Retail ra mắt gói cước đầu tiên vượt trội về dung lượng và tốc độ truy cập. Trước đó, Masan - doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ đã mua lại Mobicast, từ đó sở hữu mạng di động ảo Wintel.

Ngoài thêm tiện ích và duy trì kết nối với khách hàng, đồng thời tận dụng mạng lưới cửa hàng bán lẻ đã xây dựng, các dữ liệu có được có thể giúp các nhà bán lẻ tăng tốc số hóa, cũng như hiểu rõ hơn về hành vi tiêu dùng, gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Trong lĩnh vực bách hóa và dược phẩm, chuỗi WinMart của Masan và Long Châu của FPT Retail đều đang đứng đầu và nới thêm khoảng cách với đối thủ trong ngành về quy mô mạng lưới nhờ mở rộng trong năm 2023. Các khoản đầu tư là cơ sở đón đầu đà phục hồi tiêu dùng được dự báo khả quan ở nhóm hàng thiết yếu.

Khác với hai doanh nghiệp trên, Thế giới Di động đã có một năm tái cơ cấu. Ngay với chuỗi hàng bách hóa, cũng không có thêm cửa hàng mở mới trong năm 2023. Tuy nhiên, mới đây, công ty mẹ phê duyệt chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông cho các nhà đầu tư tiềm năng nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh. Đây sẽ là nguồn lực để Thế giới Di động mở mới, nâng cấp kho bãi và logistics sau khi chuỗi này đạt mức hòa vốn dự kiến trong nửa đầu năm 2024.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-ban-le-doi-dien-nhieu-ap-luc-d207583.html