Doanh nghiệp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu ra sao sau yêu cầu của Bộ Tài chính?

Sau khi Bộ Tài chính yêu cầu DN rà soát báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu vào ngày 15/11 để áp dụng trong kỳ điều hành 21/11, một số DN đã có con số báo cáo.

Chi phí kinh doanh vẫn "đè nặng" doanh nghiệp đầu mối

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phía Bắc cho biết, ngay sau cuộc họp giữa Chính phủ và các Bộ ngành ngày 11/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, trướcngày 20 hàng tháng rà soát, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu, phục vụ kỳ điều hành từ 21/11. Thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022, cho dù trước đó, vẫn có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính đã tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp và việc điều chỉnh nếu có, nhanh cũng phải sang tháng 12 mới thực hiện được.

Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cho thấy Chính phủ đã nhìn nhận chi phí kinh doanh xăng dầu là một nút thắt quan trọng cần giải quyết để ổn định thị trường xăng dầu.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã vào cuộc tích cực hơn. Ngày 12/11, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương rà soát đánh giá việc thực hiện và báo cáo các nội dung chi phí.

Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi các báo cáo nêu trên, có so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước (1/6/2022 - 20/10/2022); đánh giá cụ thể về tính bất thường và tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, kiến nghị, đề xuất về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) (các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đồng gửi về Bộ Công Thương) trước 10 giờ sáng ngày 15/11/2022.
Thực hiện yêu cầu trên, ngay sáng 12/11, một số doanh nghiệp đầu mối đã có cuộc họp với các thương nhân phân phối và tổng đại lý để thống nhất có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Tài chính về tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Theo văn bản của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vừa tổng hợp gửi cơ quan chức năng chỉ rõ, về chi phí nhập khẩu đưa xăng dầu về cảng Việt Nam, tạm tính giá bình quân nhập khẩu của quý IV (giá Premium, cước vận chuyển, bảo hiểm, chi phí giám định) hiện nây đối với xăng là 4.076 đồng/lít; Đối với dầu là 2.147 đồng/lít.

Trong khi đó, kỳ điều hành vừa qua (11/11), mức chi phí này chỉ mới tăng ở ngưỡng 640 đồng/lít với xăng nền để phối trộn xăng E5 RON 92, xăng RON 95 ngưỡng 1.280 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 730 đồng/lít, dầu hỏa là 1.740 đồng/lít, dầu madut 180cst 3,5S là 1.290 đồng/kg. Như vậy, mức tăng này chưa thấm vào đâu so với chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xăng dầu đang gặp khó khăn lớn vì chi phí và nguồn vốn vay

Doanh nghiệp xăng dầu đang gặp khó khăn lớn vì chi phí và nguồn vốn vay

Thương nhân phân phối kiến nghị gì?
Bên cạnh đó, về chi phí lưu thông của thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ cho người tiêu dùng đối với xăng là từ (6.5 % ÷ 7.5%)/giá bán lẻ xăng, tương ứng là 1.670 đồng/lít. Đối với dầu Diesel là từ (5.5% ÷ 6.5%)/giá bán lẻ dầu Diesel tương ứng là 1.498 đồng/lít.

Như vậy, nếu tính tổng chi phí từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông đối với mặt hàng xăng, tổng chi phí hiện nay là 5.746 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu Diesel là 3.645 đồng/lít

Từ số liệu đó, doanh nghiệp này đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm xem xét thực tế chi phí trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, để giải quyết vấn đề cấp bách trên, doanh nghiệp này đề nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh tính đúng, tính đủ chi phí thực tế trên cho kỳ điều chỉnh giá vào ngày 21/11/2022.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 để xây dựng một nghị định mới cho phù hợp với cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu của nhà nước và thích ứng với sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới.

Một thương nhân phân phối khác cũng có đề nghị tăng chi phí lưu thông (bao gồm các chi phí như: vận chuyển, hao hụt, khấu hao, thuế, lệ phí phải nộp, chi phí quản lý khác…) tính từ kho xăng dầu đầu mối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ như sau: Chi phí đối với hệ thống đại lý vùng 1 là: 1.500 đồng/lít; Chi phí đối với hệ thống đại lý vùng 2 là: 1.900 đồng/lít, để doanh nghiệp bớt khó khăn, có lãi phục vụ sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp phân phối hiến kế hóa giải tình trạng đóng cửa nghỉ bán và găm hàng chờ tăng giá

TS Giang Chấn Tây ở một công ty phân phối xăng dầu tại Trà Vinh gửi tới Báo Công Thương bài phân tích nêu rõ: Hiện nay Bộ Tài chính và Bộ Công Thương kết hợp để nâng chi phí là chưa đủ, đó chẳng qua là chi phí tính chưa đủ với thực tế nên bây giờ phải tính bù vào khoản thâm hụt đơn thuần về phí vận chuyển chứ chưa giải quyết được hết tất cả các khâu phân phối xăng dầu có liên quan làm ảnh hưởng đến thiếu hụt xăng dầu, gây rối loạn thị trường hiện nay. Điều quan trọng phải tính lại công thức giá cơ sở để để xác định lại cả chi phí khâu bán lẻ và lợi nhuận định mức cho khâu bán lẻ.

"Có đến 17.000 cửa hàng bán lẻ mà không quản lý, để thả nổi về chiết khấu thì không bao giờ ổn định được thị trường, vì xăng dầu mua bán theo hệ thống thì cần phải được quản lý xuyên suốt hết hệ thống. Hiện nay công thức tính của liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ đúng và áp dụng được khi giá luôn luôn tăng. Lúc giá xăng dầu giảm lẽ ra người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, còn đằng này do Bộ Tài chính tính sai nên gây nên hiệu ứng ngược là giá xăng dầu thế giới giảm mà dân chúng không có dùng, tạo nên cảnh hỗn loạn thị trường, doanh nhiệp bán lẻ chịu thiệt thòi nhất, càng bán càng lỗ, giá vốn mua vào cao hơn giá bán lẻ làm trái ngược và phá vỡ quy định trong Nghị định 95" - TS Giang Chấn Tây nhận định.

TS Giang Chấn Tây đề xuất thêm: Vấn đề cơ bản phải xử lý hiện nay là công thức tính giá cơ sở cần lấy giá thành thực tế bình quân của doanh nghiệp đầu mối báo cáo về Liên bộ Công Thương - Tài chính trước khi chuẩn bị điều chỉnh giá bán lẻ. Tiếp đó có thể chọn 10 hoặc 15 doanh nghiệp hoạt động ổn định và thường xuyên nhất cộng chung lại và chia cho lại cho số lượng doanh nghiệp tương ứng thì sẽ ra giá thành bình quân chung của một lít xăng cơ bản nhất.

Hoặc do Bộ Công Thương thu thập thống kê giá xăng dầu và tự định mức chi phí kinh doanh trên cơ sở chi phí thực tế mà doanh nghiệp đầu mối báo cáo nhưng không nhỏ hơn chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có thời gian điều chỉnh chi phí không quá 60 ngày để đảm bảo chi phí định mức gần sát với thực tế của doanh nghiệp.

Tuy nhiên dù tính chi phí theo cách nào đi nữa thì giá trị hàng tồn kho phải được tính theo bình quân gia quyền để đưa vào giá vốn ít nhất là 30 ngày phát sinh trước đó, bởi vì bất kỳ doanh nghiệp nào nhập hàng là cũng mất thời gian hàng tháng mới đưa xăng dầu vào phân phối lưu thông, sử dụng, doanh nghiệp nào cũng có lượng hàng tồn kho cần được tính đúng, tính đủ giá trị khi kết chuyển vào giá vốn theo đúng nguyên tắc và Luật kế toán, nếu không sẽ lời giả mà lỗ thật.

Nếu chu kỳ 10 ngày điều chỉnh giá thì đó được xem là khoảng thời gian phát sinh cập nhật giá mua trong 10 ngày và cộng với 20 ngày của giá mua bình quân trước đó. Nếu 5 ngày điều chỉnh giá thì khoảng thời gian 5 ngày được xem là cập nhật giá phát sinh và cộng với 25 ngày của giá mua bình quân trước đó.

Tiếp theo là cộng lợi nhuận định mức cho công ty đầu mối. Vấn đề cơ bản kế tiếp là tính chi phí bán hàng và lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ bằng cách cộng chiết khấu cho đại lý bán lẻ không nhỏ hơn 7% của giá bán được tính theo kết quả trên thì sẽ ra giá bán lẻ hiện hành tại thời điểm đó (3,5% là điểm hòa vốn; 3,5% là lợi nhuận thấp nhất được hưởng để bảo toàn vốn và phát triển)

"Thời gian qua liên Bộ đã gần như bỏ sót cả khâu phân phối bán lẻ nên doanh nghiệp ở khâu luôn hoạt động bấp bên và gần đây đã gặp rất nhiều khó khăn thua do lỗ kéo dài mà chưa được khắc phục nền dẫn đến thị trường luôn bất ổn, các doanh nghiệp bán lẻ bán hàng mà không có chiết khấu hoặc có chiết khấu nhưng khoảng 30-40 đồng mang tính tượng trưng nên dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ không còn tha thiết bán hàng dẫn đến đóng cửa gây rối loạn thị trường…" - TS Giang Chấn Tây nói.

Từ đó, TS Giang Chấn Tây đề xuất: Nếu công bố giá bán lẻ theo phương pháp tính này thị trường sẽ ổn định lập tức và lâu dài với điều kiện là qui định chiết khấu đại lý không nhỏ hơn 7%/ trên giá bán lẻ và xem như là lãi định mức của đơn vị bán lẻ và là công cụ đặc biệt để ổn định thị trường, không để cho doanh nghiệp đầu mối ép đại lý bán lẻ. Các đầu mối nếu đơn vị nào có chi phí cồng kềnh sẽ bị đào thải, đó mới là theo quy luật của thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Giải pháp quan trọng khác, theo TS Giang Chấn Tây, cần quy định doanh nghiệp bán lẻ đăng ký sản lượng xăng dầu bán hàng trong tháng với nhà cung cấp, nhưng chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 ngày, đúng trong khoảng thời gian chu kỳ chỉnh giá, được phép dự phòng +,- 10%. Đồng thời quy định nhà phân phối phải cung cấp đúng số lượng hàng cho doanh nghiệp đại lý. Nhằm tránh tình trạng thực tế còn 2-3 ngày nữa điều chỉnh giá bán lẻ, nếu giá xăng dầu có xu hướng tăng thì nhà cung cấp họ hạ chiết khấu xuống bằng 0 đồng. Doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp họ từ chối bán, hầu hết là nhất quyết không giao hàng để tồn trữ lại hưởng chênh lệch giá, cho dù doanh nghiệp bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng nhà cung cấp họ nói: “cấp trên chỉ đạo khóa sổ rồi, muốn lấy hàng thì phải đợi qua điều chỉnh giá, trong 10 ngày qua bán bao nhiêu là đủ rồi không bán thêm nữa”. Do quy định chỉ được mua hàng ở 1 nơi duy nhất nên doanh nghiệp bán lẻ rơi vào đường cùng. Thế là doanh nghiệp bán lẻ hết hàng buộc phải đóng cửa. Vì vậy quy định này cũng là một giải pháp ổn định nguồn cung cho doanh nghiệp bán lẻ.

Vấn đề chi phí đang là vấn đề khó khăn chung, đè nặng lên hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trao đổi tại tọa đàm Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông “điểm nghẽn” cung ứng xăng dầu do Báo Công Thương tổ chức chiều 10/11, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết: “Mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ Việt Nam đã được điều chỉnh sớm trong ngày 11/11, song quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi doanh nghiệp mua trong những hợp đồng tháng 11, 12 không phải là 5-6 USD mà là 11 USD nên doanh nghiệp vẫn đang còn lỗ tương ứng với 5-6 USD 1 thùng”.

Ông Bảo cũng chia sẻ thêm, còn một loại chi phí nữa liên quan đến chiết khấu đó là chi phí lưu thông, đang được quy định ở mức 1.350 đồng/lít, áp dụng từ năm 2014. Chi phí đó năm nào Bộ Tài chính cũng rà soát và thực sự nó không vượt cao lên với nhiều lý do như doanh nghiệp phát triển nên chi phí giảm do tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh doanh tổ chức tài chính tốt… Tuy nhiên, còn rất nhiều loại chi phí khác mà doanh nghiệp phải chi như hải quan yêu cầu các đầu mối nhập khẩu tự động kết nối; thuế cũng yêu cầu lắp VAT để trả từng hóa đơn bán lẻ cho người tiêu dùng; rồi đòi hỏi của quá trình chuyển đổi số, thanh toán không tiền mặt… Tất cả đều phải có chi phí và chi phí rất lớn, vậy nguồn này ở đâu? Đây cũng là lý do các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp.

Gặp khó với hạn mức tín dụng

Đối với hạn mức tín dụng, Công ty TNHH Thương mại Công Minh (Bắc Giang) là một thương nhân phân phối xăng dầu nêu rõ trong báo cáo về thực trạng khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như sau, hạn mức tín dụng của đơn vị này được cấp tại các Ngân hàng thương mại đủ điều kiện giải ngân thời điểm hiện tại là 955 tỷ đồng. Với dư nợ hiện tại là 327 tỷ đồng, thì hạn mức còn lại chưa được giải ngân là 628 tỷ đồng.

Hiện nay Công ty Công Minh cần sử dụng hạn mức để nhập hàng lưu trữ phục vụ hệ thống phân phối, tuy nhiên các ngân hàng không có vốn để giải ngân cho doanh nghiệp

Vấn đề hạn mức tín dụng cũng đã được Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị rất nhiều lần. Do đó, các doanh nghiệp đang đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp thêm hạn mức tín dụng để Doanh nghiệp đầu mối nhập hàng theo lượng phân giao tối thiểu Quý 4 của Bộ Công Thương. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp đủ vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp chưa đồng thuận với một số nhận định về số liệu chi phí

"Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của mình" - Về yêu cầu trên của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp cung cấp số liệu tới Báo Công Thương khẳng định đã tính toán và tổng hợp chuẩn xác, không hề và không thể có gì sai lệch, thiếu chuẩn xác để cơ quan chức năng cảnh báo.

Tuy nhiên về thông tin được Bộ Tài chính dẫn chiếu lô hàng của Petrolimex, nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa thuyết phục.
Thông tin từ Bộ Tài chính, ngày 8-11, căn cứ vào số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam do 28 doanh nghiệp cung cấp, Bộ Tài chính đã tăng chi phí này cho một số mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 290 đồng/lít lên 640 đồng/lít, xăng RON95 tăng thêm 560 đồng/lít lên mức 1.280 đồng/lít.

Qua theo dõi của Bộ Tài chính, chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây. Cụ thể, ngày 20-10, Petrolimex nhập một lô RON92 với chi phí 359 đồng/lít (định mức 640 đồng/lít); RON95 819 đồng/lít (định mức 1.280 đồng/lít).

Ngày 6-11, một lô xăng được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhập về tới cảng có chi phí 458 đồng/lít xăng RON92 và 803 đồng/lít RON95, đều thấp hơn chi phí định mức Bộ Tài chính mới sửa đổi.

Doanh nghiệp cho rằng thông tin trên là trường hợp Petrolimex đã ký kết hợp đồng nhập khẩu lô hàng từ trước đó rất lâu, với mức giá không phải ở thời điểm quý IV khi hàng về cảng. Vì thế mới có chi phí thấp hơn chi phí định mức Bộ Tài chính mới sửa đổi. "Cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ Tài chính cần khách quan, có cách tiếp cận hợp lý, đúng thực tế kinh doanh của doanh nghiệp để áp dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chứ không nên viện dẫn những thông tin chưa đúng bản chất như vậy" - lãnh đạo một doanh nghiệp kiến nghị.

Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-bao-cao-chi-phi-kinh-doanh-xang-dau-ra-sao-sau-yeu-cau-cua-bo-tai-chinh-226833.html