Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt tới 200 triệu đồng nếu không giải thích điều kiện, điều khoản cho khách hàng

Điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm là một thách thức với người mua không hiểu rõ về pháp lý, thuật ngữ khi đọc những bản hợp đồng dài cả trăm trang giấy. Nếu không tư vấn, giải thích điều kiện, điều khoản rõ ràng cho khách hàng, doanh nghiệp bán bảo hiểm sẽ phải chịu án phạt thích đáng.

Nhiều hành vi bị xử phạt

Trả lời về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trước khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không giải thích các điều kiện, điều khoản của bảo hiểm cho người mua bảo hiểm là không đúng quy định pháp luật. Tùy thuộc và tính chất mức độ của vi phạm, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Việc xử phạt được quy định tại Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP của Chính Phủ định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

 Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Theo đó, nếu doanh nghiệp vi phạm những điểm dưới đây sẽ bị phạt tiền 40-50 triệu đồng:

Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;

Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

“Tuy nhiên điểm b, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP của Chính Phủ đã được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Nghị định 80/2019/NĐ-CP mức phạt đối với tổ chức có sự thay đổi, mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng”, luật sư Đồng chia sẻ.

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi nào?

Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi về việc khách hàng mua bảo hiểm không nhận đủ thông tin tư vấn thì hợp đồng bảo hiểm có bị hủy bỏ hay không, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng hiện nay không có khái niệm hủy bỏ hợp đồng, mà chỉ tồn tại quy định “hợp đồng bảo hiểm vô hiệu” và xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu là khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Cụ thể, các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022; hoặc quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm quy định tạ Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

 Người mua nên tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ bản thân

Người mua nên tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ bản thân

Tùy trường hợp cụ thể, khách hàng không nhận đủ thông tin tư vấn thì hợp đồng bảo hiểm có thể vô hiệu nếu rơi vào các trường hợp sau:

Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên;

Người mất năng lực hành vi dân sự;

Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;

Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;

Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Nếu có căn cứ cho thấy hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định trên, khách hàng cần có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng, nếu không giải quyết được các bên có thể đưa tranh chấp này ra tòa án nhân dân giải quyết.

"Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại khoản 2, Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022”, Luật sư Đồng cho biết.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-co-the-bi-phat-toi-200-trieu-dong-neu-khong-giai-thich-dieu-kien-dieu-khoan-cho-khach-hang-post244147.html