Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm nhân thọ trong những trường hợp nào?

Trong thực tế, không phải mọi trường hợp người mua bảo hiểm xảy ra rủi ro đều được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.

Bảo hiểm nhân thọ là một loại hình bảo hiểm phổ biến tại nhiều quốc gia, là giải pháp quan trọng giúp bảo vệ tài chính cho người tham gia và người thân trước các rủi ro về tính mạng trong tương lai.

Bảo hiểm nhân thọ có đối tượng hướng đến là tuổi thọ, tính mạng con người. Khi một người đã mua bảo hiểm nhân thọ chết, người thụ hưởng sẽ được nhận một khoản tiền để bù đắp. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm.

Ths, Luật sư Trần Trọng Nam - Công ty luật TNHH ThinkSmart cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

Thứ nhất, người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực.

Thứ hai, người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng. Đây là trường hợp luật pháp quy định đề ngăn chặn hành vi cố tình xâm hại đến tính mạng của người được bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm trái quy định.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng nhấn mạnh thêm: nếu có nhiều người thụ hưởng và một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Thứ ba, người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình. Đây là trường hợp mà người được bảo hiểm thực hiện hành vi phạm pháp luật hình sự và phải chịu thi hành hình phạt tử hình (sau quá trình điều tra, truy tố, xét xử).

Thứ tư, có hành vi dẫn đến hợp đồng vô hiệu. Ví dụ: trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết của người khác nhưng không được người đó đồng ý bằng văn bản (trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng) hoặc giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết của người chưa thành niên, người mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; đe dọa, cưỡng ép khi giao kết hợp đồng; giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác.

Thứ năm, các trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng. Bản chất hợp đồng bảo hiểm là giao dịch dân sự, do đó các bên có thể quy định thêm các điều kiện miễn trừ chi trả tiền bảo hiểm khác. Có thể lấy một vài ví dụ như: thông đồng chiếm đoạt tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm…

Vậy phải làm gì khi bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ?

Trong trường hợp bị từ chối chi trả, khách hàng cần bình tĩnh, rà soát lại hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các điều khoản loại trừ và phạm vi bảo hiểm. Việc chi trả luôn căn cứ vào hợp đồng đã ký kết, do đó nếu rủi ro nằm trong các trường hợp loại trừ, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường.

Tiếp đến, khách hàng liên hệ trực tiếp với tư vấn viên hoặc công ty bảo hiểm để được giải đáp cụ thể. Khách hàng nên chuẩn bị hợp đồng bảo hiểm và các giấy tờ liên quan để đối chiếu trong quá trình làm việc. Nếu cần thiết, có thể gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc gửi khiếu nại chính thức bằng văn bản để được hỗ trợ xử lý.

Nếu sau quá trình trao đổi mà vẫn chưa đạt được sự đồng thuận, khách hàng có thể nhờ đến sự tư vấn pháp lý hoặc khiếu nại lên cơ quan quản lý bảo hiểm để được bảo vệ quyền lợi.

Cũng theo Luật sư Trọng Nam, việc hiểu rõ và đầy đủ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là điều rất quan trọng, cần được chia sẻ và phổ biến rộng rãi. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm nói riêng và trật tự kinh tế, xã hội nói chung. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các bên cần chú ý đọc kỹ các điều khoản và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật để tránh rủi ro không đáng có.

Giang Phạm

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-khong-phai-boi-thuong-tra-tien-bao-hiem-nhan-tho-trong-nhung-truong-hop-nao-82803.html