Doanh nghiệp bảo hiểm làm mới sau giai đoạn 'thanh lọc'

Ngày 4-8, tại Hà Nội, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố nhóm 10 công ty uy tín ngành ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ năm 2023.

Báo cáo đánh giá xếp hạng của Vietnam Report năm nay cho thấy, tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng nhất định, song doanh nghiệp thuộc 3 nhóm ngành công nghệ, ngân hàng và bảo hiểm trong năm qua phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, nhóm doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm 2022. Song, kể từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các doanh nghiệp trong ngành đều chịu ảnh hưởng từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát.

Để duy trì sự tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành cần giữ vững mục tiêu phát triển, đưa ra những chiến lược hành động cân bằng, toàn diện về công nghệ, quy trình và con người như nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hoạt động R&D, nâng cao hệ thống quản trị mà đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm ghi nhận sự suy giảm tăng trưởng trong năm vừa qua, ngoài yếu tố thị trường thì còn do dính líu đến những lùm xùm liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Ảnh minh họa

Nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm ghi nhận sự suy giảm tăng trưởng trong năm vừa qua, ngoài yếu tố thị trường thì còn do dính líu đến những lùm xùm liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Ảnh minh họa

Trong khi đó, trong khoảng 2022-2023, sức bền của ngân hàng được kiểm chứng khi phải căng mình đồng hành cùng nền kinh tế đối mặt với những thách thức đến từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, tình trạng lạm phát toàn cầu, sàng lọc thị trường chứng khoán.

Theo khảo sát của Vietnam Report, các ngân hàng không kỳ vọng vào tăng trưởng đột phá trong nửa cuối năm 2023. Dự báo triển vọng toàn ngành sẽ ở trạng thái ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng (44,2% và 42% so với kết quả khảo sát năm 2022 và 2021). Tuy nhiên, cơ hội từ những chính sách mới của NHNN (chẳng hạn như các động thái điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước) và cơ hội từ tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu được kỳ vọng sẽ mang lại động lực lớn cho các ngân hàng vượt sóng vươn lên.

Những “cơn gió ngược” trên thị trường cũng tác động mạnh mẽ đến ngành bảo hiểm trong thời gian qua, đặc biệt là loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm.

Theo kết quả phân tích của Vietnam Report về các cuộc thảo luận liên quan đến chủ đề bảo hiểm, cảm xúc tiêu cực của khách hàng chỉ chiếm 2,2% trong năm 2022, nhưng đã lên đến 54% trong năm 2023, tức tăng gấp 19 lần. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, đây cũng vừa là cơ hội để toàn ngành nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn, vừa là đợt thanh lọc tốt để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch và bền vững nhằm nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.

L. Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-lam-moi-sau-giai-doan-thanh-loc-post106961.html