Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng cường quản trị rủi ro

Năm 2023 được dự báo mảng bảo hiểm phi nhân thọ phải đối mặt với nhiều rủi ro vì tỉ lệ bồi thường có xu hướng gia tăng, bên cạnh đó dự báo về hiệu quả hoạt động đầu tư không cao, các doanh nghiệp cần chủ động nhiều giải pháp dự phòng để có thể hoàn thành các mục tiêu.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có công văn số 489/QLBH-PNT bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc thực hiện quản trị rủi ro.

Nhận diện, quản trị và cảnh báo sớm rủi ro

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (doanh nghiệp) thực hiện đúng quy định pháp luật về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.

Trong đó, các doanh nghiệp cần thiết lập, triển khai hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật. Đặc biệt, phải tổ chức quản trị rủi ro với 3 tuyến bảo vệ độc lập tại các bộ phận nghiệp vụ; bộ phận quản trị rủi ro, kiểm toán tuân thủ và các bộ phận kiểm soát khác; bộ phận kiểm toán nội bộ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nhận dạng các rủi ro trọng yếu như rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro đối tác (bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro gian lận), rủi ro thanh khoản và các rủi ro khác theo đánh giá của doanh nghiệp bảo hiểm có thể gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, cần theo dõi trạng thái rủi ro và đánh giá kịp thời, cảnh báo sớm khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro để bảo đảm an toàn trong hoạt động; lập các báo cáo nội bộ về theo dõi rủi ro và gửi đến các cá nhân, bộ phận có liên quan.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần kiểm soát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo hạn mức rủi ro tương ứng; kiểm tra sức chịu đựng theo quy định, có các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời các rủi ro để bảo đảm tuân thủ các hạn mức rủi ro.

Cũng tại công văn này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp triển khai hoạt động kiểm soát nội bộ theo quy định pháp luật, bao gồm thiết lập các quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và tổ chức thực hiện đáp ứng các nguyên tắc, yêu cầu theo quy định pháp luật.

Tuân thủ pháp luật về đầu tư

Cơ quan quản lý cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về đầu tư tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Trong đó nhấn mạnh, doanh nghiệp không được đầu tư quá 30% nguồn vốn vào các công ty trong cùng một nhóm có quan hệ sở hữu lẫn nhau; không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ gửi tiền tại các cổ đông, thành viên là tổ chức tín dụng.

Trường hợp doanh nghiệp thuê ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động thuê ngoài theo quy định tại Điều 90 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Với hoạt động thuê ngoài, các doanh nghiệp phải thiết lập quy trình nghiệp vụ, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời rủi ro phát sinh, đặc biệt là rủi ro liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

Trường hợp phát hiện hoạt động thuê ngoài có ảnh hưởng bất lợi đến bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, cần lập tức tạm dừng, điều chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động nghiệp vụ này. Đồng thời có phương án dự phòng bảo đảm hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài không thể thực hiện hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm đối với hợp đồng thuê ngoài.

"Các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định” - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.

Bên cạnh yêu cầu thực hiện kiểm tra, giám sát các khoản doanh thu, chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo tuân thủ pháp luật về thuế, pháp luật kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, các bộ phận có liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết với bên mua bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bảo hiểm phi nhân thọ là sản phẩm bảo hiểm dành cho con người và tài sản. Người tham gia đóng phí một lần duy nhất. Công ty bảo hiểm sẽ cam kết chi trả, bồi thường cho người mua bảo hiểm nếu có những rủi ro xảy ra gây tổn thất về vật chất, cơ thể, tai nạn con người. Trong trường hợp đối tượng được bảo hiểm không gặp bất kỳ rủi ro nào thì sau khi kết thúc hợp đồng, người tham gia sẽ không được nhận số tiền đã đóng.

Các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ phổ biến: Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người; Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh; Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại; Bảo hiểm hàng không; Bảo hiểm xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ; Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không; Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu; Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính; Bảo hiểm nông nghiệp.

Nguồn: Bộ Tài chính

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-phi-nhan-tho-tang-cuong-quan-tri-rui-ro-17923042117355057.htm