Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp vẫn lạc quan Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp vẫn lạc quan

Sự ngưng trệ sản xuất, sụt giảm đầu tư do dịch Covid-19 không làm các nhà phát triển hạ tầng công nghiệp trì hoãn kế hoạch đầu tư đã đặt ra trước đó mà xem đây là thời gian chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng khi dịch đi qua.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm sút khi hoạt động tìm hiểu đầu tư của doanh nghiệp bị trì hoãn. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh cũng khiến sản xuất đình trệ. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang do dự có nên quyết định đầu tư mới hay mở rộng sản xuất vào thời điểm hiện nay hay không. Trái ngược những lo ngại trên, các nhà phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư của mình.

Từ cuối năm ngoái, Công ty Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Kizuna bắt đầu triển khai xây dựng nhà xưởng cao tầng đầu tiên sau khi cho thuê thành công ba khu nhà xưởng thấp tầng ở tỉnh Long An. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, việc xây dựng nhà xưởng cao tầng với tổng diện tích 100.000 mét vuông này vẫn được triển khai bình thường và xuyên suốt.

Theo ông Trần Duy Vũ, Phó tổng giám đốc công ty này, dự án nhà xưởng cao tầng của Kizuna sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác đúng như kế hoạch là vào tháng 6 tới. Hiện một nửa diện tích cho thuê của dự án đã được các doanh nghiệp đăng ký thuê. Những nhà đầu tư này vẫn đang trong tình trạng sẵn sàng nhận mặt bằng cho sản xuất, ông Vũ chia sẻ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Long Hậu (LHC) cuối tháng 2 rồi đã hoàn thành giai đoạn 1 nhà xưởng công nghệ cao ở Đà Nẵng có quy mô 10.000 mét vuông, sau khi phát triển thành công hạ tầng ba khu công nghiệp ở tỉnh Long An. Đây là dự án nhà xưởng cho thuê đầu tiên tại khu công nghệ cao Đà Nẵng, cung ứng nhà xưởng có diện tích linh hoạt từ 500 mét vuông với đầy đủ dịch vụ hỗ trợ, hướng đến các doanh nghiệp thuộc ngành nghề công nghệ cao và phụ trợ công nghệ cao. Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng của công ty này, nhà xưởng tại Đà Nẵng có tổng diện tích 29,6 héc ta, vốn đầu tư 1.050 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9-2020.

Ngoài ra, LHC còn tiếp tục phát triển giai đoạn 2 nhà xưởng cao tầng cùng hạ tầng khu công nghiệp Long Hậu 3 tại tỉnh Long An.

Còn Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đô thị và sân golf Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để thực hiện việc triển khai dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức, quy mô 300 héc ta tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân sau khi chính quyền tỉnh Bình Thuận có văn bản lựa chọn Sonadezi làm chủ đầu tư.

Hay Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) vừa lên kế hoạch đầu tư thêm khu công nghiệp mới tại Hải Dương là khu công nghiệp An Bình Quốc Tuấn, dự kiến sẽ khai thác 180 héc ta và hoàn thành vào cuối năm 2020.

Khó có thể phủ nhận dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những mảng tối cho nền kinh tế với tình trạng “đóng băng” của nhiều ngành nghề kinh doanh. Giống như nhiều lĩnh vực khác, ở thời điểm bùng nổ dịch bệnh, các nhà phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng về lượng khách thuê do nhà đầu tư không thể đến trực tiếp để tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư. Đáng chú ý đại dịch này cũng khiến không ít doanh nghiệp phải trì hoãn, gác lại kế hoạch mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới.

Trong báo cáo vừa được công bố với tựa đề Covid-19 và những ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công ty tư vấn - quản lý bất động sản CBRE cho rằng công nghiệp và kho vận sụt giảm công suất sản xuất sẽ ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sẽ gây ra ảnh hưởng dây chuyền đến các quốc gia lân cận Trung Quốc do 40% hàng hóa trung gian trong chuỗi cung ứng của khu vực châu Á đều được sản xuất tại nước này. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra khi nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào từ Trung Quốc chiếm đến 35% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của Việt Nam.

Dù đồng tình với các nhận định trên nhưng các nhà phát triển bất động sản công nghiệp vẫn có cái nhìn lạc quan hơn khi xét về dài hạn. Họ cho rằng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho, logistics và các dịch vụ hậu cần khác vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển với nhiều tiềm năng.

“Việc tiếp tục rót vốn phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trong thời điểm này là bởi công ty có cái nhìn dài hạn với niềm tin Việt Nam vẫn là điểm đến và là sự lựa chọn của các nhà sản xuất thế giới sau khi dịch bệnh được dập tắt”, đại diện của Sonadezi lý giải.

Ở thời điểm này của năm ngoái, đánh giá về cơ hội Việt Nam thu hút các nhà sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, ông Trần Duy Vũ của Kizuna còn dè chừng và cho rằng không dễ dàng bởi sức hấp dẫn của thị trường hơn một tỉ dân là rất lớn. Trung Quốc là cơ sở sản xuất toàn cầu, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều nước trên thế giới nên rời bỏ Trung Quốc, tìm nguồn cung ứng khác sẽ làm tăng chi phí sản xuất...

Thế nhưng sự cố đứt nguồn cung nguyên vật liệu, linh kiện sản xuất từ Trung Quốc do Covid-19, theo ông Vũ sẽ khiến không ít nhà sản xuất thế giới phải xem xét lại khi “bỏ trứng vào một giỏ”, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước này.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng bộ phận xúc tiến đầu tư của LHC, cũng cho rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chảy mạnh vào Việt Nam sau khi dịch bệnh kết thúc, cũng như đón nhận thêm các dự án đầu tư mới. Lý do là trước đó nhiều nhà đầu tư cũng đã xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trước đó, trong một báo cáo về triển vọng năm 2020, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đưa ra quan điểm tích cực với bất động sản công nghiệp, bởi nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh và chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang. Bên cạnh đó, SSI cho rằng dịch Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp.

Trong ngắn hạn, xu hướng chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc đến ASEAN đang bị chững lại do dịch Covid-19, song về dài hạn, xu hướng dịch chuyển này sẽ mạnh mẽ hơn.

Quốc Hùng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/301801/doanh-nghiep-bat-dong-san-cong-nghiep-van-lac-quan-.html