Doanh nghiệp bất động sản đang toan tính gì cho năm 2024?
Trải qua hai năm chật vật với bài toán thanh khoản và dòng tiền, đến nay, các doanh nghiệp bất động sản lớn đã bắt đầu công bố các mục tiêu, chiến lược hoạt động thích ứng cho năm 2024.
Theo chia sẻ của ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), “hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn. Với Phát Đạt, chúng tôi tiếp nhận mọi thứ với tinh thần cầu thị. Chúng tôi tự đánh giá rằng doanh nghiệp mình vừa trải qua một ‘cơn bạo bệnh’, đã nỗ lực ‘trị bệnh’ và bắt đầu phục hồi. Chúng tôi cũng không quên tự nhắc nhở rằng dù đang dần khỏe lại, song thị trường vẫn còn vô vàn khó khăn, nguy cơ sóng gió chưa hề giảm”.
Trong chiến lược kinh doanh cho hiện tại, Phát Đạt chỉ tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực của khách hàng để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất của thị trường.
Tổng Giám đốc Phát Đạt cho biết thêm, doanh nghiệp có ít nhất 6 dự án đủ điều kiện để ra mắt thị trường trong năm nay với tổng doanh thu dự kiến hơn 40.000 tỷ đồng, với sản phẩm trọng tâm là căn hộ, đất nền và một số ít bất động sản du lịch.
Ông Phạm Thu, Chủ tịch HĐQT CTCP Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group, Mã: SGR), cho rằng những khó khăn trong năm 2023 vẫn chỉ là bước khởi đầu và 2024 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy biến động, thách thức.
Về chiến lược kinh doanh trong năm nay, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng M&A, tìm kiếm thêm quỹ đất sạch và tăng vốn để thực hiện các dự án lớn hơn. Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 550 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, gấp 5,6 lần doanh thu và gấp 2,9 lần lợi nhuận đạt được trong năm 2023. Tổng mức đầu tư theo kế hoạch khoảng 1.953 tỷ đồng.
Bên cạnh 9 dự án đang triển khai, Saigonres Group có kế hoạch phát triển các dự án mới: Chung cư cao cấp Mekovi khoảng 1.100 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng (Cái Răng, Cần Thơ); Chung cư cao tầng (Tân Phú, TP HCM); một số dự án khu đô thị, khu công nghiệp (Phổ Yên, Thái Nguyên)…
Tại CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), theo chia sẻ từ Tổng Giám đốc Trần Xuân Ngọc, một trong những mục tiêu quan trọng của tập đoàn là đưa sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đến với khách hàng, đồng thời cải thiện cách tiếp cận khách hàng, tức là không chỉ dừng ở việc tung ra sản phẩm có giá bán ưu đãi mà còn phải đáp ứng được nhu cầu từ thị trường.
“Để chuẩn bị cho sự phục hồi, doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ qua những lợi ích nhỏ để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn bằng việc xây dựng chính sách xoay quanh khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò điều phối, phối hợp với các bên liên quan từ ngân hàng đến nhà thầu, nhà cung cấp… để tạo điều kiện tốt nhất cho người mua nhà”, Tổng Giám đốc Nam Long nói.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) khẳng định doanh nghiệp vẫn trung thành với phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch An Gia, chia sẻ: "Trong nhiều năm xây dựng và phát triển, An Gia luôn tập trung vào dòng sản phẩm trung - khá. Đây là phân khúc có tỷ trọng người mua nhiều nhất trên thị trường. Dù kinh tế đi lên hay xuống thì nhu cầu an cư luôn rất cao, đặc biệt trong thời kỳ dân số vàng với lượng khách hàng tiềm năng rất lớn và kéo dài 20 - 30 năm nữa".
Bên cạnh kế hoạch triển khai dự án The Gió Riverside (Bình Dương) với tổng doanh thu toàn dự án tối thiểu 2.800 tỷ từ năm nay, An Gia đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng các quỹ đất sạch, ưu tiên các dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, phù hợp phát triển dự án vừa túi tiền và thời gian triển khai nhanh.
Trong 5 năm tới, An Gia hướng đến việc xây dựng những khu phức hợp quy mô lớn tại TP HCM và các tỉnh thành lận cận. “Phân khúc mà chúng tôi hướng đến là đáp ứng người mua ở thực tại TP HCM và khu vực giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai. Do đó, các sản phẩm, dự án của An Gia sẽ có mức giá phù hợp với điều kiện tài chính của các gia đình trẻ”, đại diện An Gia thông tin.
CTCP Vinhomes (Mã: VHM) cũng đã có kế hoạch tập trung triển khai các dự án trong năm nay: Vinhomes Cổ Loa (385 ha) ở Đông Anh, Hà Nội; Vinhomes Vũ Yên (877 ha) ở Thủy Nguyên, Hải Phòng; Vinhomes Wonder Park (133 ha) ở Đan Phượng, Hà Nội.
Đại diện lớn nhất ngành đánh giá khoản tiền khách hàng đặt cọc các dự án chưa thanh toán khoảng 99.700 tỷ đồng (tương đương 4,1 tỷ USD) sẽ là nền tảng vững chắc cho thu nhập trong tương lai. Riêng doanh số trong năm 2024 được hỗ trợ từ các dự án lớn sắp được ra mắt phù hợp bối cảnh tâm lý thị trường đang được cải thiện qua từng quý và đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường.
Ngoài ra, Vinhomes có kế hoạch ra mắt thị trường các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home trong năm: Nhà ở xã hội Nam Tràng Cát ở quận Hải An, TP Hải Phòng (khoảng 28 ha, với 4.000 căn hộ cao tầng và 300 căn hộ thấp tầng); Nhà ở xã hội Quảng Trị (khoảng 2 ha, với 100 căn hộ thấp tầng); Nhà ở xã hội Cam Ranh (khoảng 87 ha, với 4.100 căn hộ thấp tầng).
"Việc khởi công các dự án nhà ở xã hội mới trong thời gian gần đây không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu của Vinhomes mà còn đóng góp tích cực vào nguồn cung cũng như sự hồi phục của thị trường chung", Vinhomes cho hay.
Một doanh nghiệp khác hoạt động chủ yếu tại thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu là Hodeco (Mã: HDC) cũng vừa công bố một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm 2024. Doanh nghiệp này kỳ vọng đạt doanh thu 1.656 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 530 tỷ đồng; lần lượt 2,5 lần và 3,3 lần kết quả đạt được trong năm 2023.
Tổng Giám đốc Lê Viết Liên cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, doanh nghiệp dự kiến bổ sung nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng thông qua vay vốn ngân hàng và huy động từ các nguồn khác.