Doanh nghiệp bất động sản nào phát hành thành công trái phiếu trong tháng 3?
Trong tháng 3 vừa qua, đã có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt trên 26 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lượng trái phiếu phát hành thành công của 6 doanh nghiệp bất động sản đã là hơn 23 nghìn tỷ đồng.
Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), số lượng trái phiếu phát hành thành công của doanh nghiệp bất động sản đã chiếm 96% khối lượng phát hành quý đầu năm. Trong khi đó ở giai đoạn gần nửa năm trước, các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua trái phiếu không quá 2 nghìn tỷ đồng/tháng.
Trong số các công ty bất động sản huy động thành công trái phiếu trong tháng vừa qua, đầu tiên phải nhắc đến Công ty Đầu tư và Kinh Doanh Nam An với lô trái phiếu 4.700 tỷ đồng có kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất 13% một năm. Đây là một mức lãi suất khá hấp dẫn trong giai đoạn hiện tại, được doanh nghiệp công bố áp dụng trong kỳ đầu.
Tiếp theo là Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living với lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9% một năm. Trước khi tham gia mảng bất động sản, tiền thân của công ty này là Công ty TNHH Masterise Living.
Từng là công ty con của Tập đoàn Vingroup, được chuyển nhượng toàn bộ cổ phần vào năm 2019 với mục đích tái cơ cấu, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị ngôi sao Phương Nam cũng phát hành thành công lô trái phiếu 4.695 tỷ đồng với lãi suất 13% một năm, kỳ hạn 18 tháng.
Với mức lãi suất khá thấp với trong các lô trái phiếu phát hành thành công trong đợt này, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas đã phát hành lô trái phiếu 2.300 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6% một năm.
Với lượng trái phiếu phát hành lớn nhất, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu Zero Coupon (trái phiếu không trái tức) 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng với kỳ hạn 1 năm. Đây cũng là doanh nghiệp mới thành lập chưa đủ 1 năm nhưng lại huy động được các lô trái phiếu lớn trong thời gian gần đây.
Cuối cùng là lô trái phiếu trị giá 40 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm.
Việc nhiều doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu được cho là nhờ Nghị định 08 đã tháo gỡ các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, thách thức đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn còn rất lớn bởi sự bất ổn của thị trường trong giai đoạn này.
Cũng theo số liệu của VBMA, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 4/2023 là 14,54 nghìn tỷ đồng. Trong đó bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 4,5 nghìn tỷ đồng và 5,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.
Đáng nói, chỉ trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng thời gian từ ngày 27/3 đến ngày 2/4, đã có 21 doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu hoặc thay đổi điều khoản, điều kiện trái phiếu và gia hạn thời gian mua lại.
Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá khối lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tăng lên từ quý II trở đi. Ước tính sẽ có khoảng 113 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn từ nay đến hết năm 2023, có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trong đó, các công ty có liên quan đến bất động sản với nguồn tiền yếu có khả năng gặp rủi ro cao.
Rủi ro này đến từ các yếu tố bất lợi của thị trường trong thời gian hiện tại cùng sức mua sụt giảm, các doanh nghiệp sẽ khó xoay sở được dòng tiền để trả nợ trái phiếu sắp tới thời gian đáo hạn.
Một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đã có hành lang pháp lý để nhận được sự chấp nhận của trái chủ trong việc hoãn trả nợ hoặc thanh toán nợ bằng tài sản hiện có. Tuy nhiên, việc đàm phán trả nợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do khúc mắc trong việc định giá tài sản trả nợ một cách hợp lý.