Doanh nghiệp bất động sản nhà nước Trung Quốc phát đi tín hiệu tiêu cực
Các công ty bất động sản có vốn nhà nước đang cảnh báo tình trạng thua lỗ có thể lan rộng, phát đi tín hiệu tiêu cực của khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc.
Có đến 18 trong số 38 công ty bất động sản có vốn nhà nước niêm yết tại thị trường Hồng Kông và Đại lục báo cáo thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng so với 11 công ty thua lỗ cả năm 2022, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg.
Cách đây 2 năm, chỉ có 4 công ty bất động sản có vốn nhà nước trong cảnh thua lỗ.
Đây là tín hiệu cho thấy, nhóm các doanh nghiệp có vốn nhà nước không còn miễn nhiễm trước tình cảnh khó khăn của thị trường trong 2 năm qua, khi hàng loạt doanh nghiệp phát triển bất động sản rơi vào cảnh phá sản và hiện tại, Country Garden Holdings Co có thể là doanh nghiệp vỡ nợ tiếp theo.
Trong những tuần gần đây, chính quyền Trung Quốc đã có thêm động thái hỗ trợ thị trường bất động sản, tuy nhiên, giới chuyên gia giữ cái nhìn không lấy làm lạc quan về thị trường, với đánh giá những biện pháp hiện tại là chưa đủ để thị trường có thể hồi phục sớm.
“Sự trì trệ, suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc đã làm tổn thương tất cả các doanh nghiệp, bao gồm nhóm có liên kết với chính quyền và lượng lớn vốn nhà nước. Chúng tôi không kỳ vọng tình hình có thể cải thiện trong nửa cuối năm”, Zerlina Zeng, chuyên gia phân tích cấp cao tại CreditSights Singapore cho biết.
Trong báo cáo của mình, các công ty bất động sản có vốn nhà nước chỉ rõ tình trạng biên lợi nhuận suy giảm và triển vọng khó khăn khi phải hạ giá tài sản. Giá nhà mới bán ra tại Trung Quốc tiếp tục đi xuống trong tháng 7, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, theo dữ liệu mới công bố của nhà quản lý. Tình trạng thực tế còn tồi tệ hơn cả các số liệu chính thức phản ánh.
Các công ty báo lỗ bao gồm nhóm các doanh nghiệp lớn nhất do nhà nước nắm quyền. Trong đó, Shenzhen Overseas Chinese Town Co cảnh báo Công ty có thể lỗ khoảng 1,7 tỷ nhân dân tệ (233 triệu USD), chủ yếu bởi các chi phí bán hàng tăng mạnh nhằm đẩy doanh số. Trước đó, Shenzhen Overseas Chinese Town cũng báo lỗ trong nửa cuối năm 2022 - lần đầu tiên thua lỗ kể từ năm 1997 (thời điểm doanh nghiệp niêm yết).
Doanh nghiệp tại các thành phố có kinh tế hồi phục mạnh cũng chịu tổn thương. Everbright Jiabao Co, được quản lý bởi đơn vị quản lý tài sản Thượng Hải cho biết, Công ty dự kiến sẽ báo lỗ lần đầu tiên kể từ khi niêm yết cho tới nay vào nửa đầu năm 2023.
Tất nhiên, việc các doanh nghiệp nhà nước báo lỗ chưa phải chuyện quá khủng khiếp, theo chuyên gia phân tích Andrew Chan tại Bloomberg Interligence, bởi công ty có thể hạ giá hàng tồn kho nhằm phản ánh giá trị mới của thị trường.
“Chìa khóa là các doanh nghiệp vẫn được hỗ trợ thanh khoản từ các nhà băng. Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản nhỏ hơn, tình hình sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận tín dụng của từng doanh nghiệp”, Andrew Chan chia sẻ.
Tuy nhiên, thua lỗ sẽ kéo chậm tiến độ triển khai các dự án, đồng thời khiến nguồn lực của nhóm doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế, nhất là khi nhóm này đang triển khai các dự án bị đình trệ của các doanh nghiệp phát triển bất động sản tư nhân đã phá sản. Điều này làm tổn hại tới tâm lý của khách hàng mua nhà và người dân.
Một trong những chính sách được sử dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung là việc hạ lãi suất. Trong một động thái bất ngờ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất mạnh nhất trong 3 năm qua đối với khoản vay kỳ hạn 1 năm. PBOC cũng cổ vũ các nhà băng hạ thấp lãi suất cho vay mua bất động sản.
Tính tới tháng 6/2023, 100 trong số 343 thành phố của Trung Quốc đã hạ mức sàn lãi suất đối với khoản vay mới liên quan tới bất động sản, hoặc gỡ bỏ mức giới hạn tối thiểu với khoản vay, báo cáo quý mới nhất của PBOC cho biết. Diễn biến này khiến lãi suất vay bất động sản trung bình toàn quốc ở mức 4,11%/năm trong tháng 6, giảm 0,51% so với năm trước.