Doanh nghiệp bất động sản quay lại huy động vốn trái phiếu

FiinRatings dự báo nhóm doanh nghiệp bất động sản nhiều khả năng sẽ có kế hoạch phát hành trái phiếu nhiều hơn trong năm nay.

Sự trở lại của ngành bất động sản

Tháng 4/2025 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị phát hành đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,06 lần so với tháng trước và tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp bất động sản và thương mại dịch vụ dẫn đầu làn sóng này, đóng góp 13,2 nghìn tỷ đồng vào tổng giá trị phát hành.

Theo các chuyên gia của FiinRatings, sự trở lại của các tổ chức phi tài chính, đặc biệt là bất động sản, cho thấy tín hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Dù vậy, sự phát hành vẫn tập trung ở một số doanh nghiệp lớn. Các lô trái phiếu có kỳ hạn ngắn từ 1-3 năm được ưa chuộng, đặc biệt trong ngành ngân hàng và chứng khoán, nhằm bổ sung vốn cấp 2 và hỗ trợ các hoạt động cho vay ký quỹ.

Bất động sản đóng góp đáng kể trong tỷ trọng cơ cấu phát hành TPDN trong tháng 4/2025. Ảnh: FiinRatings

Bất động sản đóng góp đáng kể trong tỷ trọng cơ cấu phát hành TPDN trong tháng 4/2025. Ảnh: FiinRatings

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản đang tận dụng cơ hội để tái cấu trúc vốn, tất toán các khoản trái phiếu chậm trả trước đó.

Thị trường thứ cấp, dù có phần giảm nhiệt với giá trị giao dịch giảm 17% so với tháng 3, vẫn duy trì mức thanh khoản ổn định. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 105 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản và ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn.

Ngành ngân hàng ghi nhận 43 nghìn tỷ đồng, chiếm 41% tổng giao dịch, trong khi bất động sản đạt 38,6 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với tháng trước. Theo FiinRatings, thị trường thứ cấp đang phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ đến các ngành nội địa như bất động sản.

Hoạt động mua lại trái phiếu cũng sôi nổi, đạt 11 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, tăng 14,6% so với tháng trước.

Các tổ chức tín dụng dẫn đầu, chiếm 54,3% tổng giá trị mua lại, trong khi các doanh nghiệp bất động sản tích cực tất toán các khoản trái phiếu giãn hoãn để cải thiện hồ sơ tín dụng.

Áp lực đáo hạn vẫn còn

Những biến chuyển về dòng tiền trên thị trường trái phiếu diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam đang đối mặt với nhiều biến động.

Tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ cuối tháng 3/2025 do áp lực từ các chính sách thương mại của Mỹ. Dù đồng USD quốc tế suy yếu, lãi suất USD tại Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 4,25-4,5%.

Ngân hàng Nhà nước ưu tiên bơm hút tiền để điều tiết thanh khoản, thay vì kích hoạt kênh tín phiếu.

“Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đang được định hướng giảm theo chỉ đạo của NHNN,” báo cáo từ FiinRatings nhấn mạnh. Điều này giúp trái phiếu lãi suất thả nổi duy trì chi phí thấp, giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng bất chấp thách thức thuế quan. Tổng vốn đăng ký đạt 13,82 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2025, tăng gần 40% so với cùng kỳ.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhận được sự quan tâm lớn, chiếm 63% tổng giá trị. Dù vậy, các biện pháp thuế quan mới từ Mỹ có thể gây áp lực lên các ngành xuất khẩu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tập trung vào quý 3/2025, với bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn.

Tháng 4 ghi nhận 2,42 nghìn tỷ đồng trái phiếu có vấn đề, giảm 63% so với tháng trước. Một số doanh nghiệp bất động sản và xây dựng bổ sung vào danh sách giãn hoãn, nhưng nhiều doanh nghiệp đang chủ động tất toán trước hạn để giảm dư nợ.

Nhìn về phía trước, các tổ chức tín dụng được kỳ vọng tiếp tục phát hành trái phiếu trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng có kế hoạch phát hành nhiều hơn khi môi trường kinh doanh cải thiện.

“Nhóm tổ chức phát hành phi tài chính, cụ thể là doanh nghiệp bất động sản, nhiều khả năng sẽ có kế hoạch phát hành trái phiếu nhiều hơn trong năm nay,” FiinRatings dự báo.

Với sự hỗ trợ từ chính sách lãi suất thấp và dòng vốn FDI ổn định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội để bứt phá, dù vẫn cần thận trọng trước những biến động khó lường từ chính sách thương mại quốc tế.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/trai-phieu-bat-dong-san-d40242.html