Trình Quốc hội luật hóa quy định về xử lý nợ xấu
Tại Phiên họp sáng 20/5, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm luật hóa một số chính sách quan trọng từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, hướng đến nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: VPQH
Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền cho vay đặc biệt lãi suất 0%
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng và trình Dự án Luật này là cần thiết trong bối cảnh nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trở lại, trong khi một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) sẽ hết hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Theo đó, Chính phủ đề xuất luật hóa 03 chính sách lớn của Nghị quyết số 42, gồm: Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; Quy định về xử lý tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Quy định về xử lý tài sản bảo đảm đã bị kê biên, phong tỏa phục vụ thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác như thẩm quyền cho vay đặc biệt, điều khoản chuyển tiếp, quy trình thu giữ tài sản và cơ chế phối hợp liên ngành trong xử lý nợ xấu.
Trong đó, Chính phủ đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm và không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ về NHNN; quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) trong xử lý nợ xấu, bảo đảm việc thu giữ không đơn phương, phải tuân thủ đúng trình tự, điều kiện và quy trình minh bạch; quy định về kê biên TSBĐ đang được sử dụng để đảm bảo nợ xấu; quy định hoàn trả TSBĐ là vật chứng, tang vật sau khi chấm dứt điều tra, xử lý hành chính, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
Dự thảo Luật cũng bổ sung điều khoản chuyển tiếp để xử lý các trường hợp tổ chức tín dụng có khoản vay đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc NHNN quyết định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp TSBĐ của khoản nợ xấu đã bị kê biên, xử lý theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để thực hiện.
Việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Tránh lợi dụng quyền thu giữ để nới lỏng điều kiện cho vay
Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo tính ổn định, lâu dài cho công tác xử lý nợ xấu, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH
Về luật hóa 03 chính sách của Nghị quyết số 42, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc phạm vi áp dụng, tránh việc tổ chức tín dụng lợi dụng quyền thu giữ để nới lỏng điều kiện cho vay, tiềm ẩn rủi ro pháp lý.
Liên quan đến thẩm quyền cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Cơ quan thẩm tra tán thành việc chuyển thẩm quyền từ Thủ tướng sang NHNN Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban đề nghị quy định rõ tiêu chí, điều kiện, trình tự cho vay; tăng cường kiểm soát và rà soát lại Luật Các TCTD 2024 để tránh xung đột pháp luật.
Cơ quan thẩm tra cũng thống nhất bổ sung quy định về quyền thu giữ TSBĐ đối với khoản nợ xấu; đề nghị rà soát, bảo đảm quy định chặt chẽ các điều kiện để thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu; đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND cấp xã và Công an xã trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ; việc ủy quyền thu giữ TSBĐ; giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thu giữ TSBĐ và xử lý TSBĐ sau thu giữ, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ TSBĐ, các bên có liên quan.
Về tài sản đang bị kê biên phục vụ thi hành án, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đồng tình với đề xuất nhưng yêu cầu rà soát thêm trường hợp liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba (ngoài bồi thường, cấp dưỡng); đề nghị giao Chính phủ quy định rõ cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án và tổ chức tín dụng.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/trinh-quoc-hoi-luat-hoa-quy-dinh-ve-xu-ly-no-xau-40377.html