Doanh nghiệp bất động sản ứng phó đại dịch khi thị trường 'ngủ đông'
Tiếp theo xu hướng chững lại của thị trường bất động sản (BĐS) cuối năm 2019, dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 càng làm thị trường tê liệt, hàng loạt sàn môi giới đóng cửa, khiến nhân viên môi giới phải bỏ nghề. Do vậy, thay vì ngồi một chỗ chờ cơ hội, các doanh nghiệp BĐS phải thay đổi mục tiêu, chiến lược, để tự làm mới mình, hoàn thiện bộ máy, chấp nhận giảm chỉ tiêu kinh doanh.
Làm mới doanh nghiệp
Đại diện Công ty Địa ốc Phú Long cho biết, dịch COVID-19 đang tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh BĐS, nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp tăng cường đào tạo nội bộ, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược để tăng khả năng thích ứng với diễn biến dịch kéo dài; đồng thời nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, con người, định hướng đầu tư phát triển các dự án tốt, chất lượng.
Còn theo ông Lê Đình Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Reesoft (Công ty chuyên cung cấp phần mềm và công cụ làm việc trực tuyến cho ngành BĐS), lâu nay, các doanh nghiệp BĐS đều hoạt động chính dựa trên môi trường offline, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, môi giới… phụ thuộc quá nhiều vào hình thức hoạt động truyền thống này. Dịch bùng phát, cách ly toàn xã hội, giới BĐS mới thấy “lỗ hổng” lớn là thiếu môi trường làm việc online.
Đối với các doanh nghiệp chưa chuẩn bị công cụ làm việc online, thì chắc chắn khi cho nhân viên ở nhà đồng nghĩa là cho nghỉ làm. Còn một số công ty có phần mềm để làm việc online thì vẫn có thể duy trì làm việc dù không phải đến công ty.
Đơn cử, Công ty BĐS Saigon Center Real với hơn 1.000 nhân viên, nhưng nhờ thích ứng với môi trường làm việc onlines từ lâu, nên hiện vẫn có thể hoạt động trực tuyến, mà vẫn vừa quản lý, duy trì hoạt động kinh doanh, vừa theo dõi được công việc hàng ngày của nhân viên. Đại diện công ty cho hay, từ việc họp online, mở bán sản phẩm qua Live Stream, bán hàng qua App, đào tạo dự án qua Elearning… mọi hoạt động vẫn duy trì được ngay cả trong thời điểm bất khả kháng…
Về vấn đề này, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, BĐS là ngành nghề đặc thù, không thể nào online 100%, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế đồng người giao tiếp, nếu sử dụng không gian mạng hỗ trợ có thể duy trì công việc.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay chính là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng; đồng thời, cũng là dịp chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS
Kinh doanh sát thực tế và chờ hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch BĐS G5, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc chạy theo các dự án để chờ đầu tư “sóng” hiện nay vô cùng rủi ro. Nguyên nhân là do, các dự án mới đang trong giai đoạn nghiên cứu. Do đó, nếu các nhà đầu tư, kinh doanh, môi giới “ôm” dự án có thể sẽ bị mắc kẹt. Bên cạnh đó, việc ôm hàng giá cao càng khiến nhà đầu tư dễ hứng rủi ro và chôn vốn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng cảnh báo các nhà đầu tư cần tỉnh táo, bởi đầu tư theo đám đông dễ nhận rủi ro. Ngoài ra, sau những “bong bóng” sốt nóng thị trường, bên cạnh việc nhiều nhà đầu tư “ôm trái đắng”, nhiều doanh nghiệp BĐS uy tín sẽ khó tiếp cận được quỹ đất do giá đất đã bị đẩy lên cao.
Ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, thị thị trường BĐS quý I/2020 sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ hàng năm. Trong đó, lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng giao dịch khá ảm đảm do dịch COVID-19 phức tạp, người dân có chủ trương giữ tiền mặt, chứ không thực hiện đầu tư thực hiện các giao dịch lớn. Dự báo, dịch COVID-19 còn kéo dài, nên quý II/2020 có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường giao dịch BĐS, đặc biệt là các loại hình BĐS nghỉ dưỡng, du lịch.
"Hiện các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS đang 100% chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, kéo theo số đông nhân viên môi giới BĐS thất nghiệp. Vì vậy, VARS đề xuất hoãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS thuê lại mặt bằng; hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau khi hết dịch 12 tháng để doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ và trả lương cho người lao động; cho phép tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh…”, ông Nguyễn Văn Đính đề xuất.