Doanh nghiệp 'bắt nhịp' ra sao trước thay đổi lớn về tiêu dùng năm 2025?
Dự báo xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam năm 2025 sẽ tiếp tục có những thay đổi lớn về hành vi và hành trình mua sắm, về xu hướng sử dụng nền tảng số trong tìm kiếm và mua sản phẩm. Điều này đang cần các doanh nghiệp Việt 'bắt nhịp' bằng chiến lược tiếp cận đúng lúc đúng chỗ, đúng sản phẩm, mang lại trải nghiệm đa kênh và dùng công nghệ số để tăng thu hút người mua.
Khi mà mùa cao điểm tiêu dùng Tết Nguyên đán 2025 chỉ còn vỏn vẹn 30 ngày trong tháng đầu tiên của năm 2025, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc khối kinh doanh Kantar Worldpanel Vietnam, có lời khuyên cho các các thương hiệu và nhà sản xuất trong nước là cần nắm bắt, đáp ứng xu hướng người tiêu dùng nội địa muốn đón và chuẩn bị cho một mùa Tết giản đơn hơn.
Phải hiểu rõ hành trình mua sắm mới
Bên cạnh đó, theo bà Nga, việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết 2025 của người tiêu dùng trên các kênh trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) là yếu tố rất quan trọng để các thương hiệu có thể tiếp cận người tiêu dùng đúng lúc đúng chỗ. Từ đó nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm cho đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết.
Các sản phẩm có yếu tố sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng Việt trong thời gian tới.
Như lưu ý của vị chuyên gia thị trường này, trong mùa mua sắm Tết Nguyên đán 2025, người tiêu dùng Việt sẽ tìm kiếm những sản phẩm thể hiện sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Họ cũng sẽ ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc.
Bên cạnh xu hướng mua sắm Tết nêu trên, xét về lựa chọn tiêu dùng của người Việt trong năm 2025, theo báo cáo khảo sát người tiêu dùng của PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam, bên cạnh nhu yếu phẩm và quần áo, sản phẩm sức khỏe cũng là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt.
Báo cáo của PwC tiết lộ rằng 94% người tiêu dùng Việt cho biết đã trải qua những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày và có ý thức cao hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đặc biệt, 74% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn 20% cho các sản phẩm từ vật liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường, và 85% sẵn lòng mua xe điện hoặc hybrid trong ba năm tới.
Cũng theo báo cáo khảo sát của PwC Việt Nam, người tiêu dùng Việt hiện đại không chỉ tìm kiếm sản phẩm phù hợp mà còn mong muốn có mối quan hệ tin cậy với các thương hiệu. Họ sẵn lòng trung thành với những thương hiệu thể hiện rõ giá trị bền vững, mang lại trải nghiệm đa kênh và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Từ khảo sát nêu trên, giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN Việt là cần xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp, nắm bắt nhu cầu tăng cao này để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng trong năm 2025.
Chẳng hạn như tính bền vững không chỉ là một xu hướng nhất thời mà là một yếu tố quan trọng để DN xây dựng chiến lược lòng trung thành và niềm tin từ khách hàng. Hơn nữa, các DN cần tận dụng cơ hội này để tạo ra một mối liên kết bền vững, vượt qua giao dịch đơn thuần và gắn kết sâu sắc với khách hàng.
Nói về việc “bắt nhịp” với tính bền vững của người tiêu dùng, Ts. Hà Thị Cẩm Vân, chuyên gia kinh tế, cho rằng thông điệp dành cho các DN rất rõ ràng: Các chiến lược phát triển bền vững hiệu quả nhất được thiết kế thông minh để giúp những lựa chọn bền vững trở thành thói quen tự nhiên, đem lại ý nghĩa và có giá trị thực sự.
Theo bà Vân, trái ngược với quan niệm sai lầm rằng “bền vững là tốn kém”, đối với DN vừa và nhỏ Việt Nam đang phải gồng mình để tồn tại, các chiến lược này mang lại lợi ích kép: Giảm chi phí đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Dùng công nghệ số tăng thu hút người mua
Bàn thêm về việc “bắt nhịp” với “bức tranh” tiêu dùng mới khi bước sang năm 2025, đơn cử như với ngành hàng phổ biến là tiêu dùng nhanh (FMCG) ở Việt Nam, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán TPS cho rằng các DN ngành FMCG phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới, bền vững, thân thiện với môi trường và có tiện ích cao hơn. Đồng thời, các chiến lược marketing cần gắn liền với trải nghiệm khách hàng và tận dụng bán hàng đa kênh.
Bên cạnh đó, phía TPS cũng chỉ rõ 4 yếu tố có tác động tới lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất là sự gia tăng của thương mại hiện đại. Thứ hai là sự gia tăng giàu có hộ gia đình và sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Thứ ba là chuyển đổi số và sự phát triển của nền kinh tế số. Thứ năm là cấu trúc nhân khẩu học thuận lợi.
Ngoài ra, xét về thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, cũng nên nhắc đến khảo sát mới đưa ra trong tháng 12/2024 của Công ty nghiên cứu thị trường QandMe về việc sử dụng công cụ số của người Việt. Theo đó, 41% người tham gia khảo sát cho biết dành hơn 3 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội, với nhóm tuổi 20 có mức sử dụng cao nhất. Trong đó, công cụ tìm kiếm được sử dụng phổ biến nhất, nhưng nhóm trẻ (18-29 tuổi) lại sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Từ khảo sát nêu trên, các DN nên lưu tâm hơn trong việc dùng công nghệ số (điển hình là Trí tuệ nhân tạo - AI) trong marketing mạng xã hội để thu hút sự tìm kiếm của người tiêu dùng và đáp ứng sự hài lòng của họ.
Nói về việc dùng AI để thu hút người mua trên mạng xã hội, Ts. Umair Akram, chuyên gia ngành Digital Marketing, có lời khuyên cho các DN Việt là cần cân nhắc đến các tác động hành vi và xã hội của công nghệ AI đối với hành vi và trải nghiệm của khách hàng. Điều này cho phép họ phát triển những chiến lược tương tác với khách hàng và các trải nghiệm người dùng sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và mang lại lợi thế cạnh tranh.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh tiềm năng của các hệ thống dựa trên Trí tuệ nhân tạo AI trong việc xác định những sản phẩm thu hút sự tương tác của khách hàng trên mạng xã hội. Bằng cách phân tích tương tác của khách hàng, DN có thể xác định thuộc tính sản phẩm nào gây ấn tượng mạnh nhất. Sau đó, họ có thể đưa thông điệp marketing đến đúng đối tượng khách hàng và tăng tương tác.
Trong khi đó, theo Ts. Alrence Halibas (Đại học RMIT), AI có thể cải thiện hành trình và quyết định của người tiêu dùng, tăng xu hướng sử dụng các nền tảng số để tìm kiếm và mua sản phẩm.
Bà Halibas cho biết một trong những thế mạnh của AI là khả năng cung cấp các gợi ý được cá nhân hóa. Công nghệ mới này sử dụng bộ lọc dựa trên nội dung, chẳng hạn như gợi ý các sản phẩm tương tự như những mặt hàng mà người tiêu dùng đã “thích” trong quá khứ và lọc kết hợp, gợi ý các sản phẩm dựa trên sở thích của người dùng tương tự. Bằng việc sử dụng AI, các DN có thể làm tăng khả năng mua hàng bằng cách đảm bảo rằng nội dung và sản phẩm được hiển thị trên trang nội dung của người tiêu dùng phù hợp với sở thích và nhu cầu của họ.