Doanh nghiệp bền vững CSI 2024 sẽ được đánh giá qua 153 chỉ số

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo phát động Chương trình CSI 2024 diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 6/5/2024.

CSI 2024 – đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp chương trình được triển khai

Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) và các cơ quan liên quan tổ chức. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Chương trình được triển khai theo sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm ghi nhận, biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững trên các khía cạnh toàn diện: hiệu quả kinh tế - quản trị doanh nghiệp - xã hội - môi trường.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD phát biểu tại Hội thảo phát động

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD phát biểu tại Hội thảo phát động

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình nhận định: “Trong 8 năm qua, cái được nhiều nhất, quan trọng nhất đối với Chương trình CSI là đã góp phần giúp các doanh nghiệp, doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi tư duy kinh doanh, từ kinh doanh mang tính chất truyền thống, vị lợi nhuận sang kinh doanh vị tự nhiên, kinh doanh nhân bản hơn, kinh doanh bao trùm hơn, và kinh doanh có trách nhiệm hơn.”

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) không chỉ là căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình CSI, mà trên hết đó là công cụ hỗ trợ công tác quản trị doanh nghiệp bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm giải trình hiệu quả hơn. Đặc biệt, CSI là một bộ chỉ số “động”, luôn được cập nhật các nội dung phản ánh được những thay đổi pháp lý quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm, hay những xu thế mới từ quốc tế.

Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh cam kết phát triển bền vững cần đi kèm với một lộ trình rõ ràng, các khoản đầu tư tương ứng với lộ trình đó, sự đổi mới, chuyển đổi và hợp tác ở mọi cấp độ để đưa phát triển bền vững trở thành hiện thực.

Theo ông Binu Jacob, CSI 100 đã trở thành nơi quy tụ các doanh nghiệp mong muốn theo đuổi phát triển bền vững thông qua việc đưa ra một bức tranh rõ ràng những thành tựu đạt được, những hạn chế cần khắc phục, và quan trọng nhất là định hướng phía trước. Đặc biệt, theo ông Binu Jacob: Nestlé Việt Nam muốn đóng góp cho Chương trình CSI với một vai trò đặc biệt, đó là cố vấn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp muốn tham gia vào CSI 100 bằng cách chia sẻ các ví dụ điển hình, các kinh nghiệm để giúp họ đẩy nhanh tiến trình hướng tới phát triển bền vững.

Tại Hội thảo phát động, Ban tổ chức cũng giới thiệu chi tiết về quy chế tổ chức chương trình và cơ cấu Ban tổ chức chương trình, cũng như quy trình đánh giá, thẩm định được tổ chức chặt chẽ, khoa học theo 3 giai đoạn chính, bao gồm: Chấm điểm sơ bộ hồ sơ theo Bộ chỉ số CSI...

Bộ chỉ số CSI 2024 được cấu trúc theo 6 phần thay vì 7 phần như phiên bản cũ, bao gồm 153 chỉ số, trong đó 62% là các chỉ số tuân thủ, 38% là các chỉ số nâng cao

Bộ chỉ số CSI 2024 được cấu trúc theo 6 phần thay vì 7 phần như phiên bản cũ, bao gồm 153 chỉ số, trong đó 62% là các chỉ số tuân thủ, 38% là các chỉ số nâng cao

Điểm mới trong Bộ chỉ số CSI 2024?

Được biết, Bộ chỉ số CSI 2024 có nhiều điểm mới, cụ thể được cấu trúc theo 6 phần thay vì 7 phần như phiên bản cũ, bao gồm 153 chỉ số, trong đó 62% là các chỉ số tuân thủ, 38% là các chỉ số nâng cao. Trong đó, mỗi chỉ số được sử dụng để khai báo 1 nội dung cụ thể, giúp doanh nghiệp liệt kê và cung cấp thông tin dễ dàng hơn. Với đa số là các chỉ số tuân thủ, điều này cũng thể hiện việc thực hiện phát triển bền vững không khó và xa vời cho doanh nghiệp, mà ngược lại, chỉ cần đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp đã có một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

Những thay đổi chính trong nội dung Bộ chỉ số 2024 tập trung chủ yếu ở phần môi trường. Cụ thể, CSI 2024 tăng đáng kể mức độ “lượng hóa” của các chỉ số, đồng nghĩa với việc bổ sung thêm các chỉ số mang tính định lượng, đặc biệt là các chỉ số về môi trường. Bên cạnh đó, các chỉ số môi trường cũng được phân định rõ ràng hơn theo 2 nhóm: “tuân thủ” là các chỉ số cơ bản và “sáng kiến” là các chỉ số nâng cao. Những thay đổi này không chỉ giúp Hội đồng đánh giá của Chương trình CSI 2024 có thể đánh giá, cho điểm chuẩn xác hơn các nỗ lực phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận các vấn đề quản lý môi trường thuận lợi hơn.

Không dừng lại ở đó, cải tiến đáng chú ý nhất trong Chương trình CSI 2024 là chia hệ thống đánh giá doanh nghiệp theo 3 lĩnh vực, bao gồm: Sản xuất (SX), thương mại-dịch vụ (TM-DV) và hỗn hợp (bao gồm 2 lĩnh vực trên). Tùy theo nhóm ngành mà trọng số điểm của các nội hàm kinh tế, môi trường, xã hội sẽ khác nhau, phù hợp với đặc thù ngành nghề và hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó đảm bảo tính công bằng trong việc đánh giá cho từng doanh nghiệp.

Năm 2024, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực thông qua hình thức nộp hồ sơ trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Ngoài việc đánh giá và công bố 100 doanh nghiệp bền vững, Chương trình CSI 2024 cũng xây dựng những hạng mục giải để biểu dương những doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải các-bon và những doanh nghiệp tiên phong xây dựng giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm. Năm nay, Ban Tổ chức chương trình cũng duy trì thực hiện công khai thang điểm đánh giá theo từng phần, từng lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tự đánh giá cũng như soi chiếu với sự đánh giá từ Hội đồng đánh giá của chương trình.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-ben-vung-csi-2024-se-duoc-danh-gia-qua-153-chi-so-324353.html