Doanh nghiệp Bỉ 'đầu tư xanh' vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi
Với những lĩnh vực như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, áp dụng công nghệ cao… doanh nghiệp Bỉ nếu đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng những cơ chế ưu đãi của Chính phủ.
Động viên, kêu gọi các doanh nghiệp Bỉ và đối tác đầu tư vào Việt Nam là điều Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn truyền đạt khi dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Vương quốc Bỉ, diễn ra chiều 15/12 theo giờ địa phương.
Đại diện doanh nghiệp Bỉ nhìn nhận chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rất kịp thời nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại mạnh mẽ giữa hai bên.
Ông nói các doanh nghiệp Bỉ cũng muốn tăng cường hợp tác, làm ăn và tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. “Chỉ bằng cách thúc đẩy quan hệ thương mại và tìm kiếm cơ hội mới thì chúng ta mới cùng thắng”, vị này nói.
Hợp tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là quốc gia luôn giữ được ổn định chính trị, bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đó là những yếu tố cơ bản mà nhà đầu tư cần.
“Một đất nước không đảm bảo những điều này sẽ không có ai đến đầu tư. Việt Nam có thế mạnh trong việc này khi có thể chế, chính sách ổn định dù bất cứ hoàn cảnh nào”, Thủ tướng nhấn mạnh và động viên các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng chia sẻ ông rất vui khi nghe nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Bỉ đến Việt Nam đều cảm nhận được điều này.
Bàn về xu hướng hợp tác sắp tới, Thủ tướng cho rằng phải đi theo xu thế của thời đại, tập trung vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hay những lĩnh vực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đi kèm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ Việt Nam và Bỉ đều là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, Thủ tướng cho rằng hai nước có thể hợp tác, bổ sung thị trường cho nhau. “Ví dụ các bạn có bánh mì, chúng tôi có gạo; các bạn có lê, có táo, chúng tôi có xoài, nhãn, vải, thanh long”, Thủ tướng dẫn chứng.
Dù tình hình rất khó khăn, ông nhìn nhận đây cũng là cơ hội hợp tác để hai bên cùng đổi mới tư duy, đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Trong quá trình đầu tư, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho rằng không có nơi nào chỉ có toàn khó khăn hay thuận lợi, vấn đề là hai bên cùng hợp tác, cùng phát hiện để xử lý, giải quyết mọi vướng mắc một cách kịp thời. Thủ tướng một lần nữa động viên các doanh nghiệp Bỉ đầu tư vào Việt Nam theo định hướng “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Gặp Công chúa Bỉ Astrid trước đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương tăng cường hợp tác toàn diện với Bỉ, đồng thời đề nghị Công chúa khuyến khích các doanh nghiệp Bỉ đẩy mạnh hơn nữa thương mại - đầu tư vào Việt Nam.
Ưu đãi nếu đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh
Ngay sau phần phát biểu của Thủ tướng, các bộ trưởng của Việt Nam cùng ngồi đối thoại với doanh nghiệp Bỉ.
Đại diện một công ty kim loại chuyên cung cấp vật liệu thép cho công trình ở Việt Nam hỏi về cơ chế ưu đãi nếu xây dựng “hạ tầng xanh”. Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định sản xuất vật liệu xanh hướng tới nền kinh tế xanh là xu thế chung của quốc tế, cũng là điều Việt Nam đang theo đuổi, hướng tới.
“Chúng tôi đã xây dựng chiến lược về tăng trưởng xanh, có kế hoạch hành động cụ thể nhằm khuyến khích sản xuất xanh thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng sạch. Tất cả lĩnh vực liên quan tăng trưởng xanh sẽ được hưởng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.
Ông nói Việt Nam đang xây dựng cơ chế khuyến khích hướng tới nền kinh tế xanh.
Giám đốc Điều hành Công ty Deep-C của Bỉ chia sẻ quốc gia có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có công nghệ cao, hoạt động hiệu quả. Trong khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này tiếp cận được thị trường Việt Nam?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện cam kết Việt Nam nêu ra tại COP 26, công nghệ là vấn đề cốt lõi, còn doanh nghiệp là trọng tâm, quan trọng nhất.
Ông khuyến khích việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa có công nghệ cao của Bỉ đầu tư vào Việt Nam, để cùng doanh nghiệp trong nước tiếp cận chuỗi giá trị mới, thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việc đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi của Việt Nam.