Doanh nghiệp 'biến' nông sản địa phương thành sản phẩm xuất khẩu

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, để hướng đến xuất khẩu bền vững, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã 'biến' những nông sản địa phương thành sản phẩm xuất khẩu đặc trưng.

Sản phẩm bánh tráng không nhúng nước của Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu tại thị trường Mỹ.

Sản phẩm bánh tráng không nhúng nước của Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu tại thị trường Mỹ.

Ngày 31/7, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chương trình Chuẩn hội nhập, tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Sáng tạo xanh - Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt".

Theo bà Vũ Kim Hạnh, khâu chế biến xưa nay của Việt Nam vẫn được coi là một mặt yếu của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm đưa ra công thức phát triển tài nguyên bản địa, áp dụng công nghệ mới thì đã có sự biến chuyển. Ví dụ, với sản phẩm bánh tráng không nhúng nước Tân Nhiên (công ty TNHH Tân Nhiên - Tây Ninh) hay như sản phẩm mật hoa dừa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh FARM (Trà Vinh)… các sản phẩm này đã được các doanh nhân trẻ sử dụng và khai thác chính nông sản bản địa từ cây dừa nước, cây khoai mì chuyển sang chế biến sâu, sau đó đem đi xuất khẩu ở các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đức, Canada…

Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho biết, vừa qua, Việt Nam đã ban hành Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5 -12,5 triệu tấn. Trong đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 - 50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững. Cụ thể, 70 - 80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD. Đây chính là những tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp Việt tập trung vào chế biến sâu, sản xuất khoai mì hướng đến xuất khẩu bền vững.

Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, việc tìm kiếm và phát triển những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu xanh, bền vững như khoai mì đang trở nên vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Quang cảnh tọa đàm"Sáng tạo xanh - Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt" tại TP Hồ Chí Minh.

Quang cảnh tọa đàm"Sáng tạo xanh - Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt" tại TP Hồ Chí Minh.

"Là địa phương có tới 61.000 ha đất sản xuất khoai mì, chiếm 23% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp tại Tây Ninh cũng đã đưa các sản phẩm của khoai mì hướng đến xuất khẩu hiệu quả. Việc này không chỉ biến khoai mì thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh mà còn giúp các sản phẩm nông nghiệp Việt vươn xa, từ đó giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm.

Bà Bùi Thị Sương, Nghệ nhân ẩm thực cho biết: Khoai mì từ lâu đã trở thành một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Hiện nay, khoai mì xuất hiện ngày càng nhiều trong những món ăn dân dã ở các vùng quê," đến những món tráng miệng tinh tế trong các nhà hàng sang trọng. Ngoài ra, thành phầm tinh bột khoai mì dùng trong chế biến các loại bánh, kẹo; có thể được lên men để sản xuất các loại nước giải khát, rượu… hay sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, khoai mì không chỉ là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng mà còn là yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo trong ẩm thực, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam".

Theo bà Bùi Thị Sương, đối với ngành ẩm thực, khoai mì sau khi chế biến thành bánh tráng có độ dẻo và màu trong khá bắt mắt. Sản phẩm này còn giúp tiết kiệm thời gian chế biến cho các đầu bếp khi làm các món cuốn trong các chương trình quảng bá ẩm thực ở nước ngoài.

“Tôi còn nhớ có một lần đi quảng bá ẩm thực tại Mỹ, trong một bữa tiệc mà chúng tôi phải cuốn 500 cái gỏi cuốn. Nhưng “phiền phức” hơn là cuốn đến đâu thì các đầu bếp phải nhúng nước đến đó, rất mất thời gian.Vì vậy, khi sử dụng các sản phẩm bánh tránh không nhúng nước làm từ khoai mì, chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian hơn trong chế biến thực phẩm", bà Bùi Thị Sương nói.

Là doanh nghiệp đang xuất khẩu nhiều nông sản địa phương, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tân Nhiên cho biết, tại Tây Ninh, thương hiệu bánh tráng không nhúng nước của công ty đã có mặt tại hầu hết các địa phương và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Không chỉ bánh tráng, doanh nghiệp còn xuất cả dòng sản phẩm mang thương hiệu Việt với tên gọi Mr. Muối. Sản phẩm nông sản này đã sử dụng các nguyên liệu là tài nguyên bản địa của nhiều địa phương như tỏi Phan Rang, muối Tây Ninh, sen Đồng Tháp, đường phèn Quảng Ngãi, cua Cà Mau... Những sản phẩm này đang được các đối tác nước ngoài và người dân rất yêu thích và tin dùng.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết - Ngân Tuyền/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-bien-nong-san-dia-phuong-thanh-san-pham-xuat-khau-20240731120810371.htm