Quê cũ

Xe bắt đầu rẽ vào con đường bê tông rộng rãi. Trước mắt là xóm làng với những ngôi nhà cao tầng, mái lợp ngói đỏ nhấp nhô. Bên trái là cánh đồng lúa sắp vào vụ gặt, vàng ươm trải dài.

Xa xa, những đám bắp, mì tiếp giáp với bờ sông, bạt ngàn sắc xanh. Trong tôi bỗng dâng trào xúc cảm. Ký ức như thước phim quay chậm lần lượt hiện ra, gợi nhớ về một miền quê yên bình và đầy ắp nhớ thương.

Tôi sinh ra và lớn lên nơi miền quê trung du, bên dòng sông nhỏ hiền hòa. Khi vừa qua tuổi mười lăm, tôi theo gia đình vào Nam nhưng lòng vẫn luôn nhớ về quê cũ. Nhớ những lần cùng bọn con nít chạy lên cầu sắt bắc ngang dòng kênh để ngắm nhìn những chuyến xe chở đầy người, chất đầy hàng hóa từ các huyện miền núi về thành phố. Niềm ao ước lớn dần trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ đầu trần chân đất ấy là một ngày nào đó được theo những chuyến xe kia rong ruổi đi khắp nơi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Tôi thường về thăm cậu mợ và các anh chị vào dịp hè. Sau này ra trường đi làm thì tranh thủ những lần công tác ngang qua, tiện đường ghé ít hôm. Mỗi lần được trở lại thăm quê, tôi thấy tâm hồn mình được chạm thật gần, thật sát vào vỉa tầng thăm thẳm của miền quê đã in sâu vào ký ức.

Quê cũ có đặc điểm là nhà nào cũng thấp vì thời tiết khắc nghiệt, phải nép dưới bóng cây, tường vôi dày tránh nóng và chống chọi với gió bão. Mùa hè, gió Lào rát mặt, còn mùa đông thì lạnh buốt da. Nơi ấy có dòng sông bên đục bên trong đã đi vào câu ca, có cánh chuồn cắn rốn tập bơi, có cánh đồng cỏ may, tuổi thơ ngủ quên trong những chiều đầy gió. Nơi ấy, người dân quê chân chất, bình dị, mở lòng yêu thương tất thảy cỏ cây, sông suối.

Dạo quanh thăm thú một vòng, tôi không thể nào kìm được lòng mình. Một nỗi bâng khuâng khó tả. Một niềm nhớ thương dâng trào. Vẫn nếp nhà từ đường lợp ngói âm dương. Vẫn cái giếng làng, xôn xao tiếng nói tiếng cười vào những đêm trăng, vào ngày gặt rộ. Vẫn ngôi miếu nép dưới tán cây gạo, mỗi độ tháng ba hoa đỏ nở đầy. Tôi bỗng thèm được trở về với tuổi thơ nằm ngoan trên chiếc chõng trước hiên nhà, nghe bà thủ thỉ kể chuyện ông đi kháng chiến, chuyện bà sinh mẹ, chuyện vượt truông tìm thuốc lá chữa rắn cắn...

Tôi lâng lâng trong niềm tưởng vọng. Tiếng chim khoan nhặt sau vườn, tiếng gàu múc nước cọ vào thành giếng mỗi sớm mai. Hương cau, hương nhài dịu nhẹ, mùi hoa bưởi, hoa chanh nồng nàn lan tỏa theo ngọn heo may. Tôi mở lòng tận hưởng thật đầy đủ hương vị quê cũ, vừa nhẹ nhàng thoáng qua nhưng cũng rất sâu đằm. Nắng xôn xao và gió trong lành cùng lòng người hân hoan chào đón.

Bây giờ, quê tôi không còn hẻo lánh, thưa thớt dân cư như trước nữa. Nhà cao tầng san sát, ranh giới giữa những khu vườn là bức tường cao, vững chãi. Có nhiều khu dân cư mới mọc lên, được quy hoạch, chỉnh trang hiện đại và đẹp mắt. Nhìn diện mạo quê hương thay đổi từng ngày, chợt nghĩ về ngày trước mà lòng thấy rưng rưng.

Vẫn còn đọng lại vị nhút chua ăn qua mấy mùa mưa nắng. Vẫn còn đó hình ảnh chiếc chõng tre cũ kỹ. Vẫn thấp thoáng mảnh áo tơi. Vẫn đằm vị chè xanh ngay đầu lưỡi.

Trong các gia đình còn lưu giữ những nông cụ gắn bó gần gũi, thân thiết như cối xay lúa đơn sơ, chày giã gạo, cối đá rồi những nong, nia, giần, sàng... dù ruộng đất đang dần bị thu hẹp và nhiều nơi chuyển đổi mục đích sản xuất.

Thấy tôi lụi cụi lục tìm từng hình ảnh cũ như cái nơm, cái đụt, cái ràng... người anh đã cười xòa, nhắc lại mấy lần lội khe bắt cá. Trong đêm tối, 2 anh em cứ cầm đèn pin, dò từng bước. Đến tờ mờ sáng mới về nhà, quần áo đầy bùn nhưng “chiến lợi phẩm” chẳng là bao.

Thời gian thầm lặng trôi qua. Dòng sông nhỏ hiền hòa luôn vun bồi phù sa cho đôi bờ thêm trù phú rồi mới rướn mình xuôi về biển. Nhiều con đường rộng rãi được mở ra nối trung tâm thành phố với các huyện miền núi. Chiếc cầu sắt xuống cấp đã thay bằng cây cầu bê tông, cây gạo cổ thụ bên cột mốc vẫn nở hoa đón đợi những đứa con xa trở về.

SƠN TRẦN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/que-cu-post292169.html