Doanh nghiệp Bình Dương dùng phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19

Các doanh nghiệp lựa chọn nhân sự làm đầu mối tiếp nhận tài khoản phần mềm từ Sở TT&TT và thực hiện cập nhật dữ liệu người lao động và các biến động liên quan hằng ngày...

Nhằm góp phần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thực hiện “thắng lợi mục tiêu kép”, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết Covid - 19 trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp nhằm góp phần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thực hiện “thắng lợi mục tiêu kép”.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương, hiện nay có 10 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Sóng Thần I, Khu công nghiệp Sóng Thần II, Khu công nghiệp VSIP... là những doanh nghiệp có số lượng công nhân, người lao động lớn, từ 1 nghìn đến 10 nghìn người đang hợp tác triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19 cho doanh nghiệp tại đường dẫn http://qlcn.binhduong.gov.vn với mong muốn nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.

Phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19 cho doanh nghiệp được triển khai với mục đích giúp UBND Bình Dương quản lý chặt chẽ số lượng công nhân, người lao động theo từng doanh nghiệp như: quản lý lịch sử về nơi ở, nơi làm việc, lịch trình di chuyển trên phương tiện ô tô đưa đón, từ đó khi phát hiện có trường hợp nhiễm Covid-19 để kịp thời truy vết, khoanh vùng, cách ly những trường hợp có tiếp xúc gần.

Bên cạnh đó, để ứng phó với diễn biến dịch bệnh, Bình Dương yêu cầu tất cả các công ty, doanh nghiệp phải tự triển khai thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà. Đồng thời, tỉnh thành lập 100 tổ kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác phòng chống dịch tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo.

Theo bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (TP.Thuận An), nhiều doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để thực hiện phương án tổ chức cho người lao động ăn ở tại doanh nghiệp để bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng dịch hiệu quả. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động thông báo cho người lao động chuẩn bị tinh thần cũng như mang theo các đồ dùng sinh hoạt cần thiết để không bị động.

Công ty TNHH Điện tử Foster (TP.Thủ Dầu Một) là một trong những công ty đầu tiên ở Bình Dương tự trả phí xét nghiệm Covid-19 và bố trí cho công nhân ăn ở tại công ty. Ông Phùng Thiết Quyên, Giám đốc hành chính công ty cho biết, từ ngày 4/7, công ty bắt đầu tổ chức cho 700 công nhân ở lại công ty trong thời gian 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19. Mỗi công nhân ở lại công ty này được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày và công ty bố trí các khẩu phần ăn (3 bữa/ngày) tăng từ 1 - 2 lần so với các bữa ăn bình thường, được tăng cường thêm sữa, nước uống…

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc hành chính nhân sự Công ty CP Trần Đức (TP.Thuận An), cho biết, để bảo đảm sức khỏe, thu nhập của người lao động cũng như ổn định hoạt động sản xuất, ban giám đốc công ty cũng đã bố trí lại các khu vực trong nhà máy làm nơi ở cho người lao động, đồng thời mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ngoài miễn phí 4 bữa ăn, mỗi công nhân còn được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng để chi tiêu. Công ty cũng liên hệ với Trung tâm Y tế Tp.Thuận An để tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tất cả người lao động ở khu lưu trú.

Tính đến 17h00 ngày 6/7, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 92 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh lên 858 ca. UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ có 18.000 công nhân lao động là đối tượng có nguy cơ cao trong và ngoài khu công nghiệp đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí. Thời gian tổ chức tiêm vaccine từ ngày 5 - 11/7 và sẽ tiến hành tiêm vét nếu còn vaccine từ ngày 12 - 15/7.

Hoài Phương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-binh-duong-dung-phan-mem-ho-tro-truy-vet-covid-19.htm