Doanh nghiệp Bình Dương xây dựng kịch bản ứng phó với thuế của Mỹ

Thị trường Mỹ luôn chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của Bình Dương, đóng góp trên 43% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm gần đây.

Ông Bùi Minh Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa chủ trì cuộc họp với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành liên quan nhằm đánh giá tác động từ chính sách thuế nhập khẩu đối ứng mà Mỹ vừa công bố.

 Đại diện hiệp hội các ngành hàng ở Bình Dương lo ngại các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Đại diện hiệp hội các ngành hàng ở Bình Dương lo ngại các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Theo báo cáo, thị trường Mỹ luôn chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của Bình Dương, đóng góp trên 43% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm gần đây.

Chỉ trong vòng ba ngày sau thông báo áp thuế của Mỹ (từ 5-4 đến 8-4), Bình Dương đã ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ thông báo hủy hoặc tạm dừng.

Trong đó, có ít nhất 175 đơn hàng có nguy cơ bị hủy trong thời gian tới. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất là: gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa.

Hiện tại, mỗi hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương đang xây dựng kịch bản riêng, chuẩn bị tình huống cho cả hai khả năng: Mỹ giữ nguyên thuế hoặc tiếp tục tăng sau 90 ngày.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Liêm, đại diện Hiệp hội gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, ngành gỗ đang đối mặt với cuộc điều tra của Mỹ mở rộng nhằm xác định liệu các sản phẩm gỗ có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, có gian lận thương mại hay gây mất việc làm cho người lao động bản địa hay không.

Bình Dương hiện xuất khẩu sang Mỹ hơn 6 tỉ USD mỗi năm, nếu chính sách thuế này được áp dụng, tổn thất với doanh nghiệp là vô cùng lớn. Ông Liêm cho rằng mức thuế cao nhất ngành gỗ có thể chịu đựng là 10%, nếu vượt ngưỡng này, sức cạnh tranh sẽ suy giảm 30-40%.

 Ông Bùi Minh Trí cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động giữ ổn định lực lượng lao động.

Ông Bùi Minh Trí cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động giữ ổn định lực lượng lao động.

Còn theo ông Phan Thành Đức, đại diện Hiệp hội dệt may tỉnh Bình Dương, ngành đang chịu thuế cơ bản 16,6%, nếu cộng thêm 10%, tổng mức thuế là 26,6%, gây áp lực cực lớn.

“Ngay sau khi có thông tin, nhiều khách hàng Mỹ đã tạm ngừng nhập khẩu, giữ hàng tại kho và yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ phần thuế. Nếu không chia sẻ, mất khách; nếu chia sẻ, thì không còn lợi nhuận”, ông Phan Thành Đức cho biết.

Đại diện hiệp hội giày da tỉnh Bình Dương ông Nguyễn Quang Vũ cho rằng, doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, mà cần mở rộng sang các thị trường khác có tiềm năng và thu hút nhiều khách hàng nhỏ lẻ quay lại Việt Nam tìm nguồn hàng.

Để đáp ứng nhu cầu này, hiệp hội đề xuất thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại Việt Nam nhằm giúp khách hàng tiếp cận, trải nghiệm và lựa chọn mẫu mã phù hợp. Ngoài ra, các thị trường như Đài Loan cũng được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển nếu doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều ngành khác bị tác động ít hơn cũng lo ngại gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách địa phương, mất việc làm diện rộng. Đồng thời, làm giảm sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

 Ngành gỗ nội thất là một trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng.

Ngành gỗ nội thất là một trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, bài toán lớn hiện nay là cán cân thương mại. Trong khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ các sản phẩm công nghệ cao, thì lại xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng sử dụng nhiều lao động.

Ông Bùi Minh Trí cho biết, thời gian tới Bình Dương sẽ triển khai các biện pháp minh bạch hơn nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "đội lốt", gian lận thương mại trong xuất khẩu.

Ông Bùi Minh Trí cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động giữ ổn định lực lượng lao động. Đồng thời kịp thời phản ánh khó khăn đến tỉnh để các tổ công tác phản ứng nhanh từ các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ kịp thời.

Bình Dương hiện là một trong những trung tâm kinh tế năng động hàng đầu miền Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 59 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỉ USD (tăng 12,7%), nhập khẩu 24,5 tỷ USD (tăng 12,2%), thặng dư thương mại ước đạt 10 tỉ USD.

LÊ ÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-binh-duong-xay-dung-kich-ban-ung-pho-voi-thue-cua-my-post843725.html