Doanh nghiệp cá tra chuyển hướng xuất khẩu
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản cho biết, VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản cả năm 2019 sẽ đạt 8,9 triệu USD, tăng 1,4%. Riêng xuất khẩu cá tra do có sự thay đổi thị trường nên sẽ đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ gần 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn của các DN Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm, trong khi tại một số thị trường khác chỉ tăng nhẹ. Riêng đối với mặt hàng cá tra, sản lượng tăng từ năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến dư thừa nguồn cung, ngoài ra một số hộ nuôi trồng thủy sản khác gặp khó chuyển sang nuôi cá tra một cách ồ ạt, dẫn đến tình trạng giá cá nguyên liệu và giá xuất khẩu giảm trong thời gian gần đây.
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn, cơ quan quản lý cần có những biện pháp phù hợp để cân đối nguồn cung – cầu cá tra nhằm tránh tình trạng thừa cung trong chu kỳ của ngành cá tra. Muốn vậy, cần có dữ liệu thống kê đầy đủ và lũy kế theo chuỗi để đánh giá tình hình, áp dụng số hóa và có thông tin định hướng. Đồng thời, cần tăng cường khâu kiểm soát giống để đảm bảo chất lượng, chú trọng chất lượng cá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch. Còn đối với thị trường EU, DN xuất khẩu nên có thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh tìm hiểu, mở rộng thúc đẩy thị trường…
Số liệu của Vasep mới đây cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 40%, còn 221 triệu USD, do thuế chống bán phá giai đoạn POR14 ở mức cao. Với mức thuế này, thị trường Mỹ sẽ chỉ có một vài công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể thâm nhập, và những rủi ro về thuế vẫn là rào cản khiến các DN phải chủ động mở rộng sang các thị trường khác. Dự báo, tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong nửa cuối năm khó có thể phục hồi.
Tương tự, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU 9 tháng đầu năm đã bị sụt giảm 10%, tụt xuống vị trí thứ 5 sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và ASEAN. Kết quả này là hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. Ngoại trừ xuất khẩu sang Trung Quốc trên đà hồi phục mạnh, xuất khẩu sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi.
“Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc xuất khẩu sang thị trường này đã tăng trở lại và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo, các DN xuất khẩu cũng như nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn khiến cho nhu cầu tăng mạnh. Chính vì vậy, nhiều DN xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam đã tập trung vào thị trường này.
Đại diện một số công ty như CTCP Nam Việt (Navico) cho biết, Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu cá tra lớn nhất trong 9 tháng đầu năm của công ty. Giá trị xuất khẩu của Navico sang Trung Quốc trong giai đoạn này tăng 82,2% lên 30,5 triệu USD, chiếm 32,8% trong tổng giá trị xuất khẩu 93,1 triệu USD. Hiện tại, ngoài Navico, CTCP Đầu tư & Phát triển Đa Quốc Gia (I.D.I) và Vĩnh Hoàn là 3 nhà cung cấp cá tra lớn ở Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản cho biết, VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản cả năm 2019 sẽ đạt 8,9 triệu USD, tăng 1,4%. Riêng xuất khẩu cá tra do có sự thay đổi thị trường nên sẽ đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018. Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra kiến nghị nên xây dựng chợ đấu giá để giải quyết thực trạng hầu hết nguyên liệu hải sản thu mua qua “nậu” vựa và thường không có giấy chứng nhận khai thác, xác nhận khai thác để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, cần dựa vào công nghệ nhằm phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành hải sản.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-ca-tra-chuyen-huong-xuat-khau-93648.html