Doanh nghiệp cần có phương án phòng, chống dịch tốt nhất khi khôi phục sản xuất

Kể từ ngày 1-11, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chính thức chuyển sang giai đoạn mới. Các doanh nghiệp (DN) được lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm về phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo các phương án: Tổ chức cho người lao động đi, về hằng ngày; '3 tại chỗ'; kết hợp '3 tại chỗ' và đi, về hằng ngày nếu đảm bảo các điều kiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đã có một số chia sẻ về tình hình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng.

* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sau khi UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 6526 về việc hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tình hình các DN lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh như thế nào?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Qua nắm tình hình trước khi UBND tỉnh ban hành Công văn 6526, đến thời điểm này, có một số chủ DN đề nghị vẫn tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã được phê duyệt trước đây với mong muốn duy trì sự an toàn trong sản xuất của đơn vị.

Do quy mô của các DN này trong thời gian qua cũng đã được mở rộng, số lượng công nhân tăng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Do đó, đến thời điểm này, một số DN vẫn muốn duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, chờ đến thời điểm thích hợp để chuyển đổi phương án sản xuất.

Bên cạnh đó, phần lớn ý kiến của các DN khác rất mong muốn sớm được khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới và lựa chọn phương án cho công nhân đi, về bằng phương tiện cá nhân hoặc tổ chức đưa, đón bằng xe đưa đón tập trung. Nhìn chung, một số DN do điều kiện không thể tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nên họ mong muốn tổ chức khôi phục sản xuất với phương án là cho công nhân đi, về trong ngày.

Tuy nhiên, hiện có một số DN cũng đang cân nhắc tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hay cho công nhân đi, về trong ngày. Theo hướng dẫn của UBND tỉnh, việc lựa chọn phương án sản xuất và quy mô hoạt động là quyền lựa chọn của DN.

* PV: Đồng chí có khuyến cáo gì dành cho các DN khi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện, tình hình mới?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Thời điểm này, chúng ta phải khẳng định, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh cũng rất mong muốn, quyết tâm luôn kiểm soát được dịch, giảm các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số ca F0 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đang tập trung xử lý các ổ dịch với quan điểm là sống trong điều kiện có dịch.

Công ty TNHH Hữu Biên vẫn duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.

Công ty TNHH Hữu Biên vẫn duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.

Do đó, tất cả mọi người trong xã hội, mọi DN, các cơ quan nhà nước phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, lơ là và cũng không quá lúng túng, bị động khi có dịch. Khi xuất hiện các ca F0, chúng ta phải bình tĩnh xử lý theo những tình huống đã được hướng dẫn của cơ quan Y tế dù ở phạm vi rộng hay hẹp, kể cả trong gia đình. Thời điểm ngày 1-11, hướng dẫn của UBND tỉnh sẽ được triển khai thực hiện. Vào thời điểm này, hàng loạt DN sẽ đăng ký phương án để cơ quan chức năng thẩm định thông qua và đi vào sản xuất, kinh doanh.

* ÔNG ĐẶNG HỮU BIÊN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH HỮU BIÊN:

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đến nay, DN duy trì hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Sau ngày 1-11, công ty vẫn duy trì hoạt động theo phương án này với khoảng 200 lao động do lo ngại vấn đề dịch bệnh. Đối với những lao động không muốn tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ”, DN sẽ cho về và tuyển mới lao động để bổ sung. Lao động tuyển mới vào làm việc “3 tại chỗ” phải đảm bảo đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và được xét nghiệm đầu vào âm tính với Covid-19. Khi tình hình dịch Covid-19 ổn, DN mới tính đến việc thay đổi phương án sản xuất.

* BÀ TRẦN THỊ LUÔN, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO THIÊN ÂN:

DN sản xuất theo đơn đặt hàng, thời điểm này, do chưa có đơn đặt hàng nên DN chưa khởi động sản xuất lại. Hiện tại, DN chỉ duy trì một vài lao động để nuôi cấy nấm theo quy trình. Hiện nhiều cửa hàng chưa hoạt động trở lại nên khách hàng không có đặt hàng. Khi có đơn hàng, DN mới xem xét để lựa chọn phương án sản xuất phù hợp.

Điều này sẽ tạo ra một hiệu ứng, một lực lượng lao động rất đông sẽ đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là thời điểm chúng ta cần cảnh giác về mật độ, số người tham gia giao thông, sản xuất, kinh doanh. Bởi điều này dễ xảy ra lây nhiễm dịch trong cộng đồng.

Các DN khi trở lại sản xuất, kinh doanh phải cố gắng xây dựng thật tốt phương án phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình. Khi có dịch xảy ra, chúng ta phải có 1 phương án, biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời mới đảm bảo quá trình sản xuất, kinh doanh của DN.

Khi hướng dẫn của UBND tỉnh được triển khai, rất nhiều DN đã bày tỏ sự đồng tình, mong muốn đến ngày 1-11 được tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu đáng mừng. UBND tỉnh cảm ơn và chia sẻ với các DN đã trải qua thời gian rất khó khăn, gặp rất nhiều bất lợi trong sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm này, khi tình hình đã cơ bản ổn định, các DN đã có một tinh thần quyết tâm, quyết liệt khôi phục sản xuất. UBND tỉnh mong muốn các DN luôn giữ vững tinh thần này.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

M. THÀNH (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202111/hom-nay-1-11-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-chuyen-sang-giai-doan-moi-doanh-nghiep-can-co-phuong-an-phong-chong-dich-tot-nhat-khi-khoi-phuc-san-xuat-937706/