Doanh nghiệp cần được cấp cứu dòng tiền vốn kinh doanh

Thảo luận tại phiên họp chiều nay, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, điều mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là được cấp cứu dòng tiền kinh doanh cho mình, thông qua các chính sách khoanh nợ, giãn nợ và vay vốn mới. Tuy nhiên, chính sách còn thiếu thực tế hoặc điều kiện quá chặt, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để có chính sách đúng, trúng và mang tính dài hạn hơn.

Lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn

Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, nhiều vấn đề tồn tại từ giai đoạn trước đến nay vẫn chưa có chuyển biến mạnh như kinh tế nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, điều phối phát triển vùng thiếu liên kết, chưa phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương; một số vùng kinh tế trọng điểm chưa được đầu tư đúng mức, chưa phát huy đầu tàu kinh tế vùng và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài chưa được ưu tiên đề ra.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Ảnh: Quang Khánh

Thực tiễn cũng đã xuất hiện những vấn đề mới đòi hỏi phải thay đổi để thích ứng như dịch Covid-19 trên toàn cầu, dịch tả lợn châu Phi tấn công bất ngờ gây thiệt hại lớn kinh tế; tình hình căng thẳng thương mại giữa các nước lớn đã nhanh chóng lăn ra thành mâu thuẫn đa diện trên toàn cầu. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta sau ba kỳ kế hoạch từ 2001 đến nay chưa đặt mục tiêu. Giai đoạn 2016 - 2020 nước ta tăng trưởng 5,8%, thấp hơn so với mục tiêu 7% một năm.

Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu tốc độ GDP bình quân 5 năm tới là 6,5 - 7%, nhưng, đại biểu tỉnh Trà Vinh lưu ý, bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, nếu không thay đổi mô hình kinh tế, chúng ta sẽ không đạt tăng trưởng như mong muốn. “Trong tương lai nếu vẫn giữ mức 6%/năm thì cả hai mục tiêu Đại hội XIII đề ra không hoàn thành được. Nếu tăng 7%/ năm nước ta đạt mức thu nhập trung bình cao hơn sớm vào năm 2030 nhưng đến năm 2045 vẫn chưa đạt mức thu nhập cao. Nếu tăng 8%/năm nước ta sẽ về sớm hơn cả hai mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng đề ra sớm một vài năm”. Với những phân tích này, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc hình thành mô hình kinh tế mới là nhiệm vụ dài hạn và đột phá trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thay đổi cách thức đo lường năng lực cạnh tranh quốc tế từ năm 2018 và được gọi là năng lực cạnh tranh 4.0. Theo cách tiếp cận này, có bốn yếu tố quan trọng để đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia bao gồm: môi trường thể chế thuận lợi, hạ tầng, ổn định vĩ mô; nguồn nhân lực; các thị trường đồng bộ; thứ tư, hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng khuyến nghị mạnh mẽ rằng, để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, các quốc gia cần tập trung vào xây dựng tầm nhìn hoạch định chính sách dài hạn; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số hóa vào cung cấp dịch vụ công; đào tạo lại nghề cho lao động trong quá trình chuyển đổi; ban hành khung khổ chính sách thị trường lao động linh hoạt; nâng cao năng lực hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe; thúc đẩy đầu tư và hoạt động nghiên cứu phát triển. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ bổ sung một trụ cột trong phát triển kinh tế cũng như cơ cấu lại nền kinh tế - xã hội trong năm hai cũng như giai đoạn tới là sức khỏe và nhân lực.

“Cơn bão lớn dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Doanh nghiệp đã thực hiện mô hình 3 tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều địa phương lo ngại dịch bệnh nên dù doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ba tại chỗ khá hiệu quả cũng vẫn bị vướng vào nhiều quy định ràng buộc liên quan đến phòng, chống dịch, bảo vệ doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn các địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện về sản xuất, về nguồn lực, giao thông”. Qua ghi nhận ý kiến của tri, đại biểu Thạch Phước Bình cũng nhận thấy, điều mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là được cấp cứu dòng tiền kinh doanh cho mình, thông qua các chính sách khoanh nợ, giãn nợ và vay vốn mới. Tuy nhiên, chính sách còn thiếu thực tế hoặc điều kiện quá chặt. Đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ, bộ, ngành cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để họ góp tiếng nói vào chính sách chung, thúc đẩy hiệu quả trong thực thi chính sách, từ đó cải thiện chính sách đúng, trúng, đủ và mang tính dài hạn hơn. Như vậy, chính sách đã ban hành sẽ đi vào thực tiễn, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng ngành, từng giai đoạn.

Có nhiều tiềm năng phát triển

Trong hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của nước ta, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn đang diễn biến phức tạp, rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), nhìn về tương lai có thể thấy Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển cao và tăng tốc.

Đối với việc thực hiện 16 chỉ tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội trong năm 2002, đại biểu cho rằng, trước tiên là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Và, để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cần quan tâm thêm vấn đề tự chủ vaccine, tạo điều kiện chủ động nguồn vaccine để cung cấp và bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân. Tăng cường công tác dự báo vì đây được coi là yếu tố rất quan trọng, giúp có thể xây dựng các kịch bản phòng thủ từ xa, tránh bị động như biến thể Delta thời gian vừa qua và chú ý thêm về nguồn thuốc điều trị Covid-19.

Nhóm giải pháp thứ hai được đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị là tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá, làm cho lạm phát cao tăng trở lại vì nếu để lạm phát cao sẽ phá vỡ việc thực hiện các kế hoạch phát triển của Việt Nam.

Cùng với đó, phải tập trung thực hiện giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch và hiệu quả. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 477.300 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 65%, còn trên 160.000 tỷ đồng cần tập trung giải ngân để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Năm 2022, kế hoạch đầu tư công lên đến 526.100 tỷ đồng. “Đây vừa là cơ hội, vừa là thử thách lớn. Nếu cần tăng đầu tư công lên nữa thì cần phải chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực trọng tâm, trọng điểm có tính lan tỏa để góp phần tăng nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới. Bởi hiện nay, tuy nợ công có giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã lên đến 24,8% so với mức trần là 25%”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Ở góc độ khác, đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần có giải pháp huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân là gần 2 triệu tỷ đồng để thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mục tiêu từ 6,5 đến 7%/năm. Muốn vậy, theo đại biểu, cần có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp và có thể hỗ trợ từ 2 - 3% cho khoản dư nợ từ 1 - 2 triệu tỷ đồng và nếu chúng ta hỗ trợ trong 2 năm, cần nguồn lực là 40 - 60 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công chưa phân bổ.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep-can-duoc-cap-cuu-dong-tien-von-kinh-doanh-gegn3kp6mm-65971